Trung Quốc một mình chống G7

Thứ sáu, 27/05/2016, 09:50
Chủ tịch Hội đồng châu Âu đề nghị G7 cần có quan điểm rõ ràng và cứng rắn về an ninh hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Kinh tế thế giới là chủ đề quan trọng nhất trong hội nghị thượng đỉnh G7, theo tuyên bố của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Hội nghị G7 kéo dài trong hai ngày đã khai mạc hôm 26-5 tại Ise-Shima (tỉnh Mie của Nhật).

Tham dự hội nghị gồm có Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Ý Matteo Renzi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.

AFP đưa tin hội nghị G7 lần này nhắm đến mục tiêu tăng trưởng toàn diện, bền vững và mạnh mẽ.

Hội nghị mong muốn tìm kiếm quân bình giữa chính sách tiền tệ, chính sách ngân sách và cải cách cấu trúc.

Dù vậy, các nước vẫn còn bất đồng về cách thức đạt mục tiêu. Nhật và Ý muốn tăng chi tiêu ngân sách. Đức và Anh lại không đồng ý trong khi Đức chú trọng cải cách cấu trúc mạnh hơn.

Hội nghị G7 cũng sẽ thảo luận về đấu tranh chống khủng bố và đầu tư cho công việc này.

Các nhà lãnh đạo các nước G7 tại Ise-Shima hôm 26-5. Ảnh: REUTERS

Pháp xem chủ đề này là vấn đề ưu tiên sau khi Paris bị tấn công khủng bố ngày 13-11-2015. Pháp đã đưa ra sáng kiến về bảo tồn di sản văn hóa trước hiểm họa khủng bố.

Đức đưa ra sáng kiến thảo luận về di dân và người di cư trong bối cảnh châu Âu đương đầu với cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã đề nghị hội nghị G7 thừa nhận khủng hoảng di dân là khủng hoảng toàn cầu nhằm kêu gọi trợ giúp.

Chủ đề cuối cùng là vấn đề yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc.

Chiều 26-5, Phó Văn phòng nội các Nhật Hiroshige Seko thông báo với báo chí: “Thủ tướng Abe đã đề nghị thảo luận tình hình hiện nay ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Nhiều nhà lãnh đạo G7 nói G7 cần phát đi tín hiệu rõ ràng”.

Do hội nghị các bộ trưởng Ngoại giao G7 hồi tháng 4 đã ra tuyên bố phản đối mọi hành vi dọa nạt, đe dọa hay khiêu khích trên biển nên trước hội nghị G7 lần này, Trung Quốc đã cảnh báo hội nghị có thể làm gia tăng căng thẳng.

Báo South China Morning Postđưa tin ngày 26-5, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố “Các nước G7 phải giữ quan điểm công bằng và đúng đắn thay vì áp dụng tiêu chuẩn kép hay kiểu tư duy đồng minh”.

Ông lưu ý: “Chúng tôi không muốn nhìn thấy các cuộc thảo luận hay hành động có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”. Ông khăng khăng cho rằng Trung Quốc chỉ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với các nước liên quan trực tiếp.

Báo chí Trung Quốc ngày 26-5 cũng đăng bài cảnh báo hội nghị G7 ở Nhật không nên xen vào vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Tân Hoa xã đề nghị các nước G7 “nên lo việc của mình hơn là xía vào chuyện người khác”. Báo tố nước Nhật lấy tư cách nước chủ nhà G7 để cùng các đồng minh cô lập Trung Quốc.

Báo cho rằng vấn đề Biển Đông vượt quá ảnh hưởng và năng lực hiện nay của các nước G7, đồng thời phản ánh tinh thần chiến tranh lạnh.

Phát biểu bên lề hội nghị G7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhận định uy tín của các nước G7 đang bị thử thách về năng lực bảo vệ các giá trị chung cùng chia sẻ, do đó G7 cần có quan điểm rõ ràng và cứng rắn về các vấn đề thảo luận, đặc biệt là an ninh hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông cùng với vấn đề Nga-Ukraine. Về Nga-Ukraine, ông ghi nhận kết quả thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk đạt được tiến bộ quá chậm. Ông khẳng định quan điểm đối với Nga rằng cấm vận kinh tế sẽ không thay đổi chừng nào thỏa thuận hòa bình Minsk không được thực thi hoàn toàn.

_____________________________

Chính sách của G7 rõ ràng là mọi tranh chấp hàng hải hay lãnh thổ phải dựa trên luật pháp quốc tế và phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình… Hành động đơn phương và sử dụng vũ lực hay dọa nạt sẽ không được chấp nhận.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu DONALD TUSK

Theo PLO

Các tin cũ hơn