Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter phát biểu trước các thủy thủ tại căn cứ tàu ngầm New London ở bang Connecticut, Mỹ hôm 24/5 (Ảnh: Defense One) |
Tạp chí quốc phòng Defense One (Mỹ) dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trước các thủy thủ tại Đại học Chiến tranh Hàng Hải Mỹ hôm 25/5 cho biết: “Chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ không phải là chiến lược một sớm một chiều, mà là chiến lược dài hạn”.
“Đó sẽ là một chiến lược dài hạn trong nhiều năm”, người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, các hành động và phản ứng qua lại giữa Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông chỉ là một phần trong bức tranh tổng thể của cả khu vực và điều này chỉ có thể chấm dứt khi Trung Quốc tự thay đổi từ bên trong.
Ông Carter cho rằng các cuộc tuần tra tự do hàng hải của máy bay và tàu chiến Mỹ trên Biển Đông, nơi Trung Quốc đang ngang nhiên xây đảo nhân tạo và đường băng quân sự trái phép, chỉ là một phần dễ nhìn thấy nhất trong kế hoạch lớn hơn của Mỹ.
“Chiến lược tái cân bằng mang ý nghĩa nhiều hơn, chứ không chỉ đơn thuần là các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải. Đó là một chương trình tổng thể nhằm tăng cường hoạt động của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm ngoại giao, kinh tế và quân sự”, ông Carter phát biểu trước các thủy thủ tại căn cứ tàu ngầm New London ở bang Connecticut, Mỹ hôm 24/5.
“Mỹ sẽ dịch chuyển lực lượng tới châu Á, hiện đại hóa lực lượng ở châu Á, tiến hành các cuộc tập trận song phương và đa phương, xây dựng quan hệ đối tác với quân đội những nước sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong khu vực. Tất cả các hoạt động trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ đều nhằm duy trì hòa bình và ổn định lâu dài ở châu Á - Thái Bình Dương”, ông Carter nói thêm.
Đề cập tới các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ thời gian qua, ông Carter giải thích rằng những hoạt động này không chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích ở Biển Đông.
“Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra ở khắp nơi trên thế giới, chứ không chỉ nhắm riêng tới bất kỳ nước nào, bao gồm cả Trung Quốc”, ông Carter nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng những tranh chấp chủ quyền cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, chứ không phải bằng quân sự hay cưỡng ép.
“Đó là nguyên tắc mà Mỹ theo đuổi trên toàn thế giới, và nguyên tắc này mang ý nghĩa quan trọng đối với mọi khu vực, từ Biển Đông cho tới Bắc Cực. Mỹ và các nước khác đã giữ vững nguyên tắc này trong hàng trăm năm qua”, ông Carter nhấn mạnh.
Theo Dân Trí