Ảnh minh họa |
Truyền thông một đàng, thực tế một nẻo
Trước thềm EURO 2016 tại Pháp, Hội đồng cấp cao về bình đẳng giới (HCE) tại Pháp là tổ chức đầu tiên lên tiếng về vấn đề này. Ngày 21/4, HCE phát động chiến dịch nhằm "ngăn chặn nạn mại dâm trên diện rộng". Tuyên bố của HCE viết: "Các sự kiện thể thao lớn trước đây cho thấy fan là khách hàng thường xuyên hoặc không thường xuyên của gái mại dâm".
Sự liên hệ giữa bóng đá và mại dâm như trên không còn là hiện tượng mới. World Cup 2006 tại Đức, truyền thông đưa tin rầm rộ việc nước chủ nhà hợp pháp hóa mại dâm 4 năm trước đó hòng sẵn sàng cho việc thu lợi từ giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh.
"Liệu World Cup thứ 18 này có đánh bại tất cả các giải đấu trước về lượng khách mua dâm?", tờ báo Pháp Le Monde đặt câu hỏi.
Thế nhưng, thực tế khác xa với những gì các tổ chức tuyên truyền và truyền thông đăng tải. Tờ New York Times, trong cuộc khảo sát mới nhất về khu phố đèn đỏ Artemis ở trung tâm Berlin, cho biết không có sự cải thiện trong kinh doanh công nghiệp tình dục ở các giải đấu lớn.
Theo một gái bán dâm giấu tên, một sự kiện thể thao như World Cup và EURO không phải là dịp để họ kiếm bộn tiền như người ta tưởng. Thực tế, fan thường tới những sự kiện này cùng gia đình, bạn bè. "Rất khó để một người đi trong nhóm tách ra, bảo rằng họ sẽ đến thăm thú nhà thổ. Đó không phải là hành vi bình thường".
Tại World Cup 2010, điều tương tự diễn ra. Thông báo của truyền thông khẳng định có 1 tỷ bao cao su đã được nhập về để phục vụ cho ngành công nghiệp tình dục có 40.000 nhân công. Tuy nhiên, sau giải đấu Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tiến hành khảo sát tác động của World Cup và rút ra kết luận: "Không có sự gia tăng đáng kể lượng khách hàng của gái mại dâm trong dịp World Cup".
Ít khách, nhiều cảnh sát
Trong cuộc khảo sát với 1.800 cô gái bán dâm tại Nam Phi làm việc trong World Cup 2010, số liệu đã chứng minh một sự thật ít biết: "Trước, trong và sau World Cup, mỗi gái làng chơi vẫn chỉ có trung bình 12 khách mỗi tuần".
Morgane Merteuil, đại diện của Liên hiệp gái mại dâm Pháp, cho biết: "Những gì truyền thông nói về mại dâm tại EURO là sự phóng đại, một sự bịa đặt, dối trá".
Lượng khách hàng không tăng nhiều, chỉ có sự gia tăng các cuộc trấn áp của cảnh sát trong nỗ lực làm đẹp công tác tổ chức giải đấu. Tại World Cup 2014 và Thế vận hội London 2012, đã có nhiều cuộc đột kích và tìm kiếm của cảnh sát để "làm sạch" thành phố. Bởi thế, gái mại dâm ngày càng thờ ơ với EURO, World Cup.
Tại Pháp năm nay, gái mại dâm càng ế ẩm hơn khi đạo luật phạt 1.500 euro đối với khách mua dâm được thực thi.
Một ngày trước trận khai mạc EURO, khu đèn đỏ Bois de Boulogne ở phía Tây Paris vẫn đóng cửa lúc 10 giờ đêm vì ít khách. "Một số bạn bè của tôi cũng lựa chọn nghỉ làm trong những ngày có trận đấu", Merteuil cho biết.