Vụ Formosa: “Nếu không sớm được đền bù, chúng tôi sẽ trắng tay”

Thứ ba, 05/07/2016, 08:45
Hàng chục ao tôm sắp tới ngày thu hoạch, dự kiến mang lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng, vậy mà chỉ sau một đêm tôm chết sạch. Sau đêm ấy, chủ dự án nuôi tôm lớn nhất Hà Tĩnh lao đao, hiện đang đứng trước nguy cơ đổ bể. Nếu không nhận được tiền đền bù cũng như có chính sách hỗ trợ của nhà nước, những chủ đầu tư này sẽ trắng tay.

Chuỗi ngày lao đao

Xót xa. U ám. Đó là những gì chúng tôi ghi nhận được khi quay trở lại khu nuôi tôm chất lượng cao của Công ty Grobest Hà Tĩnh tại hai xã Kỳ Phương, Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh nằm ngay sát nách khu công nghiệp Formosa.

3h chiều, nắng gắt khó chịu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc công ty cùng nhiều kỹ sư, công nhân ngồi bần thần trước những thiệt hại quá lớn mà công ty phải gánh chịu xuất phát từ vụ xả thải độc tố của Formosa ra môi trường biển Vũng Áng.

“Mất trắng rồi anh ạ. Gần 20 ao nuôi chỉ còn chừng chưa đầy tháng nữa là cho thu hoạch, với nguồn thu dự kiến trên 25 tỷ đồng. Nhưng thật không thể đau xót hơn, khi chỉ sau một đêm sau khi bơm nước biển vào, phần lớn ao nuôi trong số đó chết sạch. Nuôi con tôm chúng tôi đếm bằng giờ, bằng ngày, lăn lộn trên ao nuôi không ngưng nghỉ để kiểm soát dịch bệnh, xem con tôm lớn, nên khi phải tự tay xúc từng bao tôm đi tiêu hủy, chúng tôi xót vô cùng”- ông Hùng đau xót nhớ lại.

Chuỗi ngày sau đó, theo ông Hùng, là một giai đoạn đầy khó khăn của công ty. Đã bỏ ra gần 100 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho cả 3 khu nuôi ở 2 xã Kỳ Phương, Kỳ Nam, trải qua một năm hoạt động, nguồn thu chưa đáng là bao, nên thiệt hại nặng nề vụ nuôi này khiến công ty lao đao.

Trong khó khăn, lãnh đạo công ty, kỹ sư, công nhân lao động ở đây đã nắm tay nhau, dồn sức cứu lấy số ao nuôi ít ỏi “sống sót” do chưa kịp thay nước. Nhưng nỗ lực, hi vọng gỡ gạc chút ít để chi trả phần nào tiền lương cho cán bộ, kỹ sư, công nhân thật không dễ chút nào do công ty không thể lấy đâu ra nguồn nước cung ứng cho các hồ nuôi.

“Mực nước trong ao cứ giảm dần, môi trường sinh trưởng của tôm bị ảnh hưởng do thức ăn, kháng sinh tôm để lại. Có lúc chúng tôi tính thuê xe chở nước biển từ nơi khác về cứu tôm. Nhưng phương án ấy chỉ như muối bỏ biển, cầm cự chưa được 1 tuần chúng tôi đành phải thu non. Dự kiến thu hàng chục tỷ, nhưng vụ rồi công ty chỉ thu được 3 tỷ tiền tôm, thật không thể đau xót hơn” – ông Hùng thở dài đầy ngao ngán.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ đầu tư khu nuôi tôm công nghệ cao tại 2 xã Kỳ Phương, Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) như ngồi trên đống lửa. Ông Hùng nói, nếu tiền đền bù không về nhanh, không kịp giúp chúng tôi giải quyết những khó khăn chồng chất, chúng tôi cầm chắc thất bại.

Ông Hùng đội nón dẫn chúng tôi ra thăm khu nuôi tôm công nghệ cao nằm ngay tại trụ sở ở xã Kỳ Phương. Nếu không có vụ xả thải của Formosa, giờ 2 khu nuôi với 38 ao nuôi tôm đang ở trong chính vụ với những giàn sục khí hoạt động hết công suất. Nhưng tất cả trông thật thảm hại. Toàn bộ 2 khu nuôi im lìm, vắng bóng kỹ sư, công nhân. Các ao nuôi trơ trọi, cạn khô đáy. Một số ao hồ được công ty này cho công nhân bóc bỏ bạt ni lông chống thấm để chuẩn bị sửa lại ao nuôi.

“Theo chu kỳ đầu tư, mỗi ao nuôi này sẽ trải qua 5 năm nuôi liên tục trước khi cải tạo lại. Thế nhưng, mới chỉ qua một năm, có hồ mới qua một vụ nuôi, chúng tôi đã phải bóc bỏ hết bạt đáy, bạt bờ, gỡ hệ thống dẫn nước vùi sâu dưới cát lên làm lại từ đầu để tránh độc tố sót lại. Kinh phí cho việc cải tạo ao hồ này hết sức tốn kém, tổng công ty lại chưa cấp tiền, nên chúng tôi đang hết sức khó khăn, phải vừa làm vừa trông chờ. Tất cả 38 hồ ở khu nuôi này vì thế đã phải dừng hoạt động từ 2 tháng nay”, ông Hùng chỉ tay về những ao tôm trơ đáy buồn bã, nói.

Sau khi Formosa đầu độc biển Vũng Áng, 38 ao nuôi tôm của Công ty Grobest Hà Tĩnh đã phải ngưng hoạt động, nằm trơ đáy. Hơn bao giờ hết chủ đầu tư dự án nuôi tôm công nghệ cao mong nhận được tiền đền bù thiệt hại để tái đầu tư, sản xuất.

Và theo ông Hùng, “đang rất khó khăn, chúng tôi được nghe Formosa sẽ đến bù cho người dân là điều rất mừng. Nhưng nếu tiền đền bù không về nhanh, không kịp giúp chúng tôi giải quyết những khó khăn chồng chất, chúng tôi cầm chắc thất bại”.

Mong sớm nhận được tiền để ổn định lại sản xuất

Là một thủ phủ cá lớn nhất của Hà Tĩnh, người dân xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà đã trải qua những ngày hết sức khốn đốn do ảnh hưởng của vụ Formosa xả thải, gây ra thảm trạng cá chết vừa qua. Ông Lê Tiến Hải, chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Thạch Kim buồn bã cho hay, chỉ trong một thời gian ngắn, hầu hết tàu bè đều nằm bờ, mọi giao thương liên quan đến cảng cá Cửa Sót giảm sút rõ rệt. Trong khi cá đi biển về rớt giá thảm hại, thì cá thương phẩm mà bà con ngư dân ở đây nhập về từ nhiều nguồn, thậm chí từ nước ngoài về đã không bán được, đành cặp đông chờ thị trường sôi động trở lại.

“Bà con ngư dân lúc này quá khó khăn. Hàng không xuất được trong khi tiền điện, tiền vay ngân hàng vẫn phải chi trả, rồi chi phí sinh hoạt. Dù Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực hết sức, nhưng không biết rồi những tháng ngày tới bà con sẽ sống ra sao” – ông Hải nói.

Một trong số các hộ gia đình rơi vào cảnh khó khăn như ông Hải đề cập ở Thạch Kim là gia đình anh Trần Đình Nghĩa, chị Lê Thị Toàn. Trước khi xảy ra vụ cá chết, anh Toàn cấp ra thị trường 4 tấn thủy hải sản tươi sống mỗi ngày, nhưng sau sự vụ này cơ sở của anh gần như đóng cửa hoàn toàn. Cá nhập về không xuất được, buộc anh phải cặp đông chờ đợi. Hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ, khiến cuộc sống của gia đình anh lao đao. Không còn cách nào khác chị Toàn đã phải chuyển hướng, tạm kinh doanh nước giải khát. Nhưng đồng tiền kiếm được là quá ít ỏi so với chi phí cuộc sống đắt đỏ.

Chị Lê Thị Toàn, ngư dân xã Thạch Kim: "Mong sớm nhận được đền bù, hỗ trợ thiệt hại để bà con ngư dân có kinh phí ổn định kinh doanh, vượt qua khó khăn".

“Cuộc sống của gia đình em quá khó khăn, buôn bán không được, lại phải còn phải đú thứ chi phí từ lãi suất ngân hàng đến tiền điện bảo quản sản phảm chưa tiêu thụ được. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc gia đình em phải bán nốt cả xe, đồ nghề để trả nợ” – chị Toàn cho hay.

Chị Toàn nói rằng, hơn bao giờ hết chị và người dân nơi đây mong các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tiền đền bù thiệt hại của phía Formosa sớm về với người dân để sớm ổn định lại sản xuất, kinh doanh. “Chỉ như thế những trường hợp như gia đình em mới có thể phần nào vượt qua được khó khăn”- chị Toàn lo lắng nói.

Thủ tướng yêu cầu sử dụng khoản đền bù 500 triệu USD hiệu quả nhất

Sáng 1/7, trong khuôn khổ phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến việc sử dụng khoản tiền 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng) mà phía Formosa đã cam kết đền bù thiệt hại do gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng tại miền Trung. Tại cuộc họp này, Thủ tướng giao Bộ NNPTNT dự thảo chủ trương chính sách để cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài nguyên - Môi trường để giải quyết, sử dụng cho các mục đích khác nhau.

Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ lâu dài về sinh kế cho ngư dân, chú trọng hỗ trợ theo hướng đầu tư cho chương trình đánh bắt xa bờ để mang lại hiệu quả dài lâu, bền vững hơn. Thủ tướng gợi ý dùng khoản tiền này để giúp hạ lãi suất cho vay với người dân đầu tư tàu để đánh bắt xa bờ chỉ còn 1-1,5%.

Tiếp đó, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo phân về Quỹ Hỗ trợ môi trường để khôi phục môi trường biển đã bị xâm hại. Ngoài ra, cần tính toán phần để hỗ trợ trực tiếp cho những người dân bị thiệt hại qua sự cố.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn