Ngư dân quyết kiện tàu Trung Quốc

Thứ sáu, 15/07/2016, 10:01
Tàu Trung Quốc liên tục tông chìm tàu cá Việt Nam ngay trong vùng biển chủ quyền của nước ta, ngư dân đề nghị được hỗ trợ pháp lý để quyết kiện các tàu này

Vừa trở về sau chuyến đi biển bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa, thuyền trưởng tàu cá QNg 90479 TS Võ Văn Lựu (ngụ huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết mong muốn lớn nhất là phía Trung Quốc phải bồi thường tàu cá và những tổn thất đã gây ra cho ông.

Hết sức phi lý

Đây không phải lần đầu tiên ông Võ Văn Lựu bị tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá. Phía Trung Quốc đã nhiều lần đập phá tài sản, bắt bớ khiến gia đình ông lâm cảnh khó khăn.

Bà Huỳnh Thị Như Hoa, chủ tàu cá ĐNa 90152 TS bị đâm chìm ở vùng biển Hoàng Sa, theo đuổi vụ kiện tàu Trung Quốc 2 năm nay

“Chúng tôi đi đánh bắt hợp pháp ở vùng biển Việt Nam, không xâm phạm lãnh hải bất kỳ nước nào nhưng nhiều lần bị tàu Trung Quốc xua đuổi, bắt bớ hết sức phi lý. Tôi mong các cơ quan chức năng giúp đỡ, yêu cầu Trung Quốc bồi thường tàu cá cho tôi, không tái diễn tình trạng ngăn cản, xua đuổi khi tàu cá ngư dân đánh bắt bình thường ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa” - ông Lựu bày tỏ.

Cũng bị tàu Trung Quốc tấn công, đập phá tài sản gây thiệt hại nặng nề vào cuối tháng 5-2016, 2 tháng trôi qua, chủ tàu QNg 95821 TS Nguyễn Tuấn (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chưa sửa chữa xong tàu để ra khơi.

“Chúng tôi rất bức xúc trước hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc nhưng chẳng biết phải làm sao. Nếu có đơn vị, tổ chức nào đứng ra giúp đỡ những ngư dân để kiện đòi phía Trung Quốc bồi thường, tôi sẵn sàng tham gia. Bỏ bao nhiêu ngày, bao nhiêu chuyến biển, tôi cũng tham gia tới cùng” - ông Tuấn khẳng định.

Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi, cho biết có rất nhiều ngư dân trong tỉnh bị tàu Trung Quốc xua đuổi, đập phá, đâm chìm tàu cá… khi đang đánh bắt bình thường ở Hoàng Sa. Tuy nhiên, đến nay, chưa có ngư dân nào của Quảng Ngãi đứng ra khởi kiện. Bởi lẽ, để kiện được phía Trung Quốc, cần phải có tổ chức am hiểu luật pháp quốc tế đứng ra giúp đỡ ngư dân.

Ông Toàn tin rằng nếu có tổ chức nào giúp bà con khởi kiện, sẽ có rất nhiều ngư dân tham gia. Hội nghề cá sẽ hoàn toàn ủng hộ vụ kiện cũng như hỗ trợ tối đa mọi mặt cho ngư dân khởi kiện.

Đeo bám tới cùng

Trở lại vụ ngư dân Đà Nẵng kiện bị tàu 11202 Trung Quốc tông chìm vào ngày 26-5-2014, luật sư Đỗ Pháp - Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp, người được bà Huỳnh Thị Như Hoa (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng; chủ tàu cá ĐNa 90152 TS bị tông chìm ở Hoàng Sa) ủy quyền - cho biết vẫn tiếp tục theo đuổi vụ kiện.

Theo luật sư Đỗ Pháp, sau khi Tòa Trọng tài thường trực ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” và cái gọi là “căn cứ lịch sử” của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông thì mặt pháp lý cho vụ kiện của bà Hoa sẽ thuận lợi hơn. Dù vậy, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tìm chủ phương tiện đâm chìm tàu bà Hoa. Qua xác minh, luật sư Đỗ Pháp biết được tàu 11202 của Trung Quốc thuộc một công ty có trụ sở ở Thượng Hải. Tuy nhiên, hiện công ty này đã dời đi nơi khác nên chưa tìm ra thủ phạm.

Luật sư Pháp khẳng định nếu tìm ra bị đơn và khởi kiện, phía nguyên đơn chắc chắn sẽ thắng vì các lý do: thiệt hại thực tế xảy ra là có; thời gian, địa điểm xảy ra trên vùng lãnh hải của Việt Nam, có clip quay lại đầy đủ; có 10 nhân chứng đồng thời là nạn nhân của vụ việc; chứng cứ, chứng lý đã được thu thập đầy đủ...

Bà Huỳnh Thị Như Hoa cho biết dù 2 năm đã trôi qua, vụ kiện chưa đi đến đâu nhưng phải mất 7 năm hay 10 năm, gia đình cũng quyết kiện để buộc phía Trung Quốc phải bồi thường thiệt hại. “Tôi quyết tâm khởi kiện để khẳng định vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống bao đời nay mà ngư dân chúng tôi đánh bắt” - bà Hoa quyết tâm.

Trong khi đó, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Đà Nẵng, khẳng định chủ tàu quyết tâm đeo bám vụ kiện thì hội nghề cá sẽ hỗ trợ tối đa về mặt pháp lý để lôi chủ tàu Trung Quốc tông chìm tàu cá bà Hoa ra ánh sáng.

Trước đó, sau khi được ủy quyền vụ kiện, Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp đã có công văn “đề nghị Bộ Ngoại giao gửi Thông báo đối ngoại cho phía Trung Quốc yêu cầu phối hợp, hỗ trợ thông tin”. Bộ Ngoại giao cho hay Cục Lãnh sự đã gửi Công hàm số 0781 tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, đề nghị chuyển các yêu cầu của Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp tới Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng của Trung Quốc để giải quyết. Thế nhưng, cho đến nay, Cục Lãnh sự chưa nhận được thông tin trả lời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam về những nội dung được nêu.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, 100 triệu đồng mà Báo Người Lao Động hỗ trợ cho Hội Nghề cá Đà Nẵng đồng hành trong vụ kiện của bà Hoa đã được hội sử dụng đúng mục đích, như bước đầu dùng chi phí đi lại thu thập thông tin, đi tìm hiểu xác minh chủ sở hữu tàu Trung Quốc tông chìm. Hội Nghề cá Đà Nẵng cũng phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp để theo đuổi vụ kiện đến cùng.

Cân nhắc thời điểm khởi kiện

Chiều 14-7, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, khẳng định nếu ngư dân đứng ra khởi kiện sẽ được nhiều người, nhiều đơn vị hỗ trợ, trong đó có Hội Nghề cá Việt Nam. Trước mắt, trong thời điểm tàu Trung Quốc đang hung hăng như hiện nay, hội nghề cá sẽ tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ, đề nghị tàu và lực lượng thực thi nhiệm vụ của chúng ta phải thường xuyên có mặt trên các vùng biển để bảo vệ ngư dân, giảm bớt sự hung hăng của tàu Trung Quốc.

“Việc khởi kiện Trung Quốc, hội cũng đã có tính toán nhưng qua tham vấn ý kiến luật sư thì thấy chưa có lợi, chưa thích hợp về thời điểm để tiến hành hiệu quả. Còn khi thích hợp và nếu ngư dân khởi kiện, nhất định hội sẽ hỗ trợ mạnh mẽ” - ông Thắng nhấn mạnh

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn