Sợ hãi đang bao trùm nước Pháp |
Ít nhất 73 người đã thiệt mạng khi một chiếc xe tải chạy với tốc độ cao đâm vào đám đông đang xem bắn pháo hoa chào mừng ngày Quốc khánh tại thành phố Nice miền Nam nước Pháp.
Những thông tin ban đầu cho thấy đây là một vụ khủng bố. Như vậy đất nước này vừa trải qua vụ tấn công khủng bố đẫm máu thứ hai trong năm 2016 và thứ ba kể từ đầu năm 2015.
Có một đặc điểm chung giữa các vụ: những kẻ tấn công sử dụng súng và bom ở những điểm tụ tập đông người trên khắp Paris – như sân vận động Stade de France và nhà hát Bataclan. Từ đây một số chuyên gia đưa ra một số giải thích về việc tại sao Pháp lại là mục tiêu hàng đầu của các nhóm tấn công khủng bố.
Trong thông báo tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công ở Paris năm ngoái, tổ chức Nhà nước Hồi giáo ISIS gọi Paris là “thủ đô của gái mại dâm và sự trụy lạc”. Nhóm khủng bố cũng nói rằng Pháp và “tất cả những quốc gia đi theo con đường của Pháp” đều “đứng đầu trong danh sách mục tiêu tấn công của IS”.
Dưới thời Tổng thống Francois Hollande, Pháp thực hiện cuộc không kích đầu tiên nhắm vào các mục tiêu IS ở Syria vào tháng 9 năm ngoái. Không chỉ IS, Pháp cũng là mục tiêu của các nhóm cực đoan.
Những nhân chứng ở nhà hát Bataclan nói rằng tay súng đã hét lên rằng nước Pháp phải trả giá vì tất cả những gì mà ông Hollande đã làm với người Hồi giáo trên toàn thế giới. Một nhân chứng khác nói với CNN rằng kẻ đó có nói tiếng Pháp như một người bản địa.
Nhưng cũng phải nhắc lại rằng Pháp là nơi mà những kẻ tấn công có nhiều cơ hội nhất. Kẻ thù lớn nhất của IS phải là Mỹ. Mỹ luôn đứng đầu danh sách, nhưng rất khó để khủng bố tiến hành tấn công ở Mỹ.
Paris cũng là nơi mà IS tuyển mộ được nhiều chiến binh hơn so với bất kỳ thành phố châu Âu nào.
Nhà báo George Packer của tờ The New Yorker từng tham gia đưa tin về chiến tranh Iraq trong bài báo có tựa đề “The Other France" (tạm dịch: Một nước Pháp khác) đã đặt ra câu hỏi liệu có phải các vùng ngoại ô Paris chính là “lò ấp sản sinh khủng bố”.
“Ở những vùng ngoại ô (mà trong tiếng Pháp gọi là banlieue) đầy rẫy những khu ổ chuột tràn ngập người nhập cư sinh sống trong những ngôi nhà cũ nát. Họ chìm trong nghèo đói và cô lập với xã hội bên ngoài. Họ cũng chính là chủ đề của những cuộc tranh luận gay gắt ở Pháp”.
Những đứa trẻ ở đây lớn lên cùng với gái mại dâm, những kẻ Hồi giáo cực đoan, xã hội đen và ma túy thuốc phiện. Người da màu nhập cư tự ý thức rằng họ không phải là người Pháp vì không giống với những người da trắng, họ không có gốc rễ từ Pháp.
Thái độ ấy không phải là không có cơ sở, Packer giải thích mối quan hệ căng thẳng giữa một số người Pháp nhập cư từ nước châu Phi Algeria và một bộ phận người Pháp da trắng như sau:
“Kể từ đầu thế kỷ 19, Algeria trở thành một phần của nước Pháp. Đến năm 1962 nước này giành lại độc lập sau 8 năm chiến tranh với hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Bộ phim 'The Battle of Algiers' nói về khủng bố, những hành động tra tấn dã man và sự nổi loạn đã bị cấm chiếu ở Pháp suốt 5 năm sau khi nó ra đời và cho đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Rõ ràng lịch sử đau thương đã tác động đến hiện tại”.
Theo Tri Thức Trẻ