Trung Quốc lại bóng gió chuyện xây nhà máy điện hạt nhân nổi trên Biển Đông

Thứ sáu, 15/07/2016, 14:32
Chỉ vài ngày sau khi Tòa Trọng tài phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò”, truyền thông nhà nước Trung Quốc lại bóng gió chuyện Bắc Kinh có thể trắng trợn xây các nhà máy điện hạt nhân ở Biển Đông - động thái được cho là một phần trong âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Mô phỏng một nhà máy điện hạt nhân nổi của Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc.

Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), phụ san của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn thông tin trên tài khoản mạng xã hội WeChat của Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) ngày 15/7 lớn tiếng nói rằng việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi này sẽ giúp Trung Quốc “kiểm soát hiệu quả ở Biển Đông”.

Nguồn tin ngang ngược nói rằng, các nhà máy điện hạt nhân này sẽ được sử dụng ở các đảo và bãi cạn ở Trường Sa (của Việt Nam) để “đảm bảo nguồn cung nước ngọt”.

Trên thế giới, một số nước đã sử dụng năng lượng hạt nhân cho các tàu sân bay và tàu ngầm, nhưng việc sử dụng nhà máy điện hạt nhân nổi cho mục đích dân sự có vẻ chưa có tiền lệ. Chuyên gia hải quân Trung Quốc Li Jie cho biết các nhà máy điện hạt nhân có thể cung cấp điện cho hải đăng sân bay, cầu cảng và các cơ sở khác mà Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông.

Những thông tin về việc đóng các nhà máy điện hạt nhân nổi sau đó đã bị gỡ bỏ khỏi tài khoản WeChat của CNNC. Một nhân viên của CNNC nói với AFP rằng, họ cần phải xác minh thêm.

Trong khi đó, trang tin The Paper dẫn lời ông Zhu Hanchao - một kỹ sư tại Tập đoàn công nghiệp đóng tàu thủy Trung Quốc cho biết, họ đang trong quá trình chế tạo 20 nhà máy điện hạt nhân nổi.

Tuy nhiên, ông Zhu nói thêm rằng, các nhà máy này sẽ được triển khai đến các mỏ dầu ngoài khơi vịnh Bột Hải ở Đông Bắc Trung Quốc, không phải là Biển Đông. Hiện đại diện tập đoàn này chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.

Theo kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020, Trung Quốc dự tính xây 2 nhà máy điện hạt nhân nổi, một chiếc vận hành vào 2019, chiếc còn lại vào năm 2020, tuy nhiên không nêu cụ thể sẽ xây chúng ở đâu.

Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Tòa Trọng tài Quốc tế đầu tuần này đã bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông và kết luận rằng các hoạt động cải tạo, bồi lấp của Trung Quốc thời gian qua đã phá hủy nghiêm trọng hệ sinh thái biển, làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn ngang ngược tuyên bố bác bỏ phán quyết và lớn tiếng cảnh báo căng thẳng xung quanh vấn đề này có thể khiến Biển Đông trở thành “cái nôi chiến tranh”. Bắc Kinh cũng bóng gió chuyện có thể lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông tùy thuộc vào “mối đe dọa an ninh”.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông, chồng lấn với vùng biển của các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia, Philippines. Đây không chỉ là vùng biển giàu tài nguyên mà còn là tuyến hải vận quốc tế quan trọng với mức trung chuyển 5.000 tỷ USD hàng hóa mỗi năm.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn