Đoàn kiểm tra cho rằng gốc Pơmu này đã bị đốn hạ từ lâu. |
Đoàn kiểm tra liên ngành do Thượng tá Hoàng Trọng Đống- Điều tra viên cao cấp của Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An (PC44) làm trưởng đoàn cùng chủ rừng là Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Phòng CSMT (PC49), Phòng Kỹ thuật hình sự (PC45) vượt 20km đường rừng vào hiện trường báo chí phản ánh xảy ra vụ phá rừng Pơmu tại Tiểu khu 60. Chứng kiến cuộc khám nghiệm còn có một số đại diện cơ quan báo chí.
Qua ghi nhận của phóng viên, xung quanh khu vực Tiểu khu 60 Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt xuất hiện một số tấm gỗ Pơmu mới bị cắt xẻ. Dấu vết để lại cho thấy, vết cắt còn mới.
Tuy nhiên, theo kết luận ban đầu của đoàn kiểm tra liên ngành thì nhiều cây gỗ Pơmu bị cắt xẻ đã ngã từ lâu. “Chúng tôi phát hiện tại đây có 8 cây bị chặt phá. Trong đó có 3 cây Pơmu bà con địa phương cho biết đã bị chặt cách đây khoảng 3 tháng; 5 cây còn lại bị ngã hơn 10 năm rồi, gốc bị mối mọt rồi. Người dân lấy cành cưa xẻ để tận thu. Nhìn thì còn mới”.
Gốc Pơmu bị mối mọt, rỗng ruột. |
Ông Nguyễn Danh Hùng- Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thừa nhận việc phá rừng là có, nhưng không xảy ra hàng loạt, bởi rất nhiều gỗ Pơmu bị lâm tặc tận dụng từ gốc cây đã bị đổ.
“Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt được UBND tỉnh quản lý 86 nghìn héc ta rừng thì theo quy định chúng tôi sẽ được cấp 139 biên chế, nhưng hiện nay mới có 64 người. Có 70 thôn bản nằm trong vùng đệm, trong đó có 13 bản nằm trong vùng lõi, cộng thêm phong tục tập quán sống dựa vào rừng nên việc quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Việc một số cây Pơmu bị đốn hạ thì tôi xin nhận trách nhiệm và sẽ tăng cường khắc phục”, ông Hùng cho biết thêm.
Theo Tiền Phong