Xót thương học viên phi công hy sinh sau tai nạn máy bay ở Phú Yên

Thứ bảy, 27/08/2016, 08:08
Những người hàng xóm, người thầy… từng dạy học cho học viên phi công Phạm Đức Trung đã bàng hoàng, hụt hẫng, không tin việc anh hy sinh là sự thật. Họ cầu mong một phép màu, nhưng điều đó đã không xảy ra…
Căn nhà của anh Trung (màu xanh, bên trái đường), trong một con hẻm trên đường Trần Phú, TP.Nha Trang, Khánh Hòa

Chiều 26/8, không khí hết sức ảm đạm trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Phú (phường Lộc Thọ, TP.Nha Trang, Khánh Hòa). Căn nhà của học viên phi công Phạm Đức Trung (22 tuổi) nay im ắng, đóng cửa im lìm vì tất cả người thân trong gia đình anh đã ra Phú Yên. Nhiều người hàng xóm không giấu được sự đau buồn, thương xót trước sự "ra đi" đột ngột của anh.

Bác H., một người cao tuổi trong khu phố kể, từ nhỏ Trung là một người hiền lành, chăm chỉ. Hôm nghe tin máy bay rơi ở Phú Yên, mọi người trong khu dân cư xôn xao, nhưng cầu mong điều kỳ diệu sẽ đến. Khi nghe tin phi công Trung - người ngồi trong máy bay hy sinh, không ai tin đó là sự thật. “8h45, nghe tin thì tôi giật mình. Xót xa lắm, buồn lắm”, bác H. kể.

Theo người dân, phi công Trung là anh lớn trong gia đình có 2 anh em, sau còn một em gái. Năm nay, phi công Trung là học viên năm thứ 4 của Trường sĩ quan Không quân (TP.Nha Trang, Khánh Hòa). Nếu không có sự cố đau lòng xảy ra, cuối năm nay anh sẽ tốt nghiệp.

Theo tìm hiểu của PV Dân Trí, học viên phi công Trung là con của một trung tá, hiện là Trưởng ban Thông tin - Trường sĩ quan Không quân Nha Trang. Và những người thầy từng dạy anh các môn về lý thuyết bay, cơ sở kỹ thuật… đã rất hụt hẫng khi nghe tin học trò mình tử nạn, bởi những người đã từng tiếp xúc với phi công Trung đều cho rằng: Trung thường nằm trong tốp đầu mỗi khi “bay thả đơn” huấn luyện. Trước khi “bay thả đơn”, học viên phải trải qua “bay kèm” (tức là có thầy bên cạnh).

Trao đổi với báo chí, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, bước đầu kiểm tra hiện trường cho thấy học viên phi công Phạm Đức Trung đã có hành động dũng cảm trước khi hy sinh.

Theo đó, trước khi máy bị sự cố mất lực, phi công này không nhảy dù để thoát nạn mà cố gắng điều khiển cho máy bay “chui” dưới đường dây điện. Mục đích của phi công là không để máy bay đụng vào đường dây điện nằm bên Quốc lộ 1 vì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với người dân bên dưới. Mặt khác, khi biết máy bay gặp nạn anh đã cố cho máy bay “chuồi” theo ruộng lúa để nhằm cứu máy bay.

Trước đó, vào khoảng 8h45 ngày 26/8, máy bay L39 mang số hiệu 8705 do học viên phi công Trung điều khiển cất cánh bay huấn luyện từ sân bay Tuy Hòa thì bất ngờ gặp sự cố và rơi xuống một cánh đồng lúa. Trước khi rơi xuống ruộng lúa, máy bay đã va vào dải phân cách trên quốc lộ 1A.

Hiện trường vụ máy bay quân sự rơi tại Phú Yên.

Vụ tai nạn bất ngờ khiến học viên phi công Trung hy sinh trong buồng lái và một người dân đi đường bị thương nhẹ. Theo Đại tá Nguyễn Đức Quý, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân, Quân chủng Phòng không không quân, bước đầu xác định nguyên nhân máy bay rơi do trục trặc động cơ.

Trao đổi với PV Dân Trí, ông Đặng Thái Bình, Chủ tịch UBND phường Phú Lâm (TP.Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết, máy bay L39 là rơi trên cánh đồng lúa thuộc địa bàn khu phố 2, phường Phú Lâm, TP.Tuy Hòa. Về phía TP.Tuy Hòa, ông Nguyễn Ngọc Tứ, Chủ tịch UBND TP.Tuy Hòa, cho biết, ngay sau tai nạn, địa phương đã phối hợp với cơ quan chuyên môn phong tỏa hiện trường để khám nghiệm, giải quyết hậu quả vụ việc. “Khu vực nơi máy bay rơi có lúa đang trổ, nên cũng có thiệt hại nhưng không lớn”, Chủ tịch UBND TP.Tuy Hòa khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, cho biết, do máy bay rơi cách Quốc lộ 1 khoảng 100-150m về phía Đông, nên người dân vì hiếu kỳ có dừng lại xem, khiến quốc lộ bị “ùn” trong một thời gian ngắn. Lực lượng CSGT đã có mặt để điều tiết, phân luồng.

Vụ tai nạn không gây hậu quả đáng tiếc cho các phương tiện tham gia giao thông.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn