|
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte |
“Những mối quan hệ đồng minh vẫn tồn tại. Không cần phải lo lắng về sự thay đổi trong các mối quan hệ đồng minh. Tôi không cần phải thiết lập thêm quan hệ đồng minh với các nước khác”, Tổng thống Duterte nói với truyền thông Nhật Bản ở thủ đô Manila, Philippines hôm qua 24/10.
Tổng thống Duterte nói rằng việc ông tuyên bố “cắt đứt” quan hệ với Mỹ khi đang có chuyến thăm tới Trung Quốc hồi tuần trước chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của riêng ông, chứ ông không thay mặt chính phủ Philippines để phát ngôn như vậy. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Philippines cũng tiết lộ rằng ông chỉ có kế hoạch xây dựng “quan hệ đồng minh về thương mại” với Trung Quốc, hãng tin Kyodo đưa tin.
Phát biểu trên của Tổng thống Duterte được đưa ra trước thềm chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản, bắt đầu từ ngày 25/10. Theo Reuters, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mong muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa Manila và Tokyo nhân chuyến thăm của nhà lãnh đạo Philippines. Ông Abe được cho là đang tìm cách tăng cường quan hệ giữa Nhật Bản với Philippines cũng như với các quốc gia Đông Nam Á khác để tạo thành đối trọng cân bằng với một Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ.
Liên quan tới phát ngôn gây tranh cãi của Tổng thống Duterte, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel hôm qua đã tới Manila và có cuộc gặp với Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay để làm rõ về tình hình quan hệ hợp tác giữa hai nước. Sau cuộc hội đàm, ông Russel khẳng định Washington vẫn là “đồng minh đáng tin cậy” của Manila, song bày tỏ quan ngại về một loạt phát ngôn của Tổng thống Duterte cũng như xu hướng thay đổi chớp nhoáng trong những tính toán của Philippines.
Cũng trong ngày hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tin tưởng rằng Washington và Manila có thể cùng nhau “vượt qua” giai đoạn căng thẳng sau những tuyên bố thiếu thân thiện của Tổng thống Duterte. Trong khi đó, Ngoại trưởng Yasay nói rằng Mỹ vẫn là người bạn thân nhất của Philippines, nhưng Mania muốn thoát khỏi tư tưởng “phụ thuộc và quỵ lụy” vào Washington và đẩy mạnh các mối quan hệ gần gũi hơn với các nước khác.
Theo Dân Trí