|
Tàu khu trục USS Decatur của Hải quân Mỹ |
Hãng tin Reuters ngày 25/10 đã dẫn hai nguồn tin giấu tên cho biết thông tin trên. Trước đó, hôm 21/10, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur của Hải quân Mỹ đã thách thức “các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc” gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc hiện đang chiếm đóng trái phép.
Đây là lần đầu tiên một hoạt động tự do hàng hải như vậy được thực hiện nằm ngoài sự chỉ huy của Hạm đội 7 của Mỹ đóng tại Nhật Bản. Đây cũng là một phép thử cho những thay đổi nhằm cho phép Hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động hàng hải trên 2 mặt trận ở châu Á cùng lúc, hai nguồn tin giấu tên tiết lộ với Reuters.
Việc Hạm đội 3 thường xuyên chỉ huy các tàu tại châu Á, điều không xảy ra kể từ Thế chiến II, đồng nghĩa với việc Hải quân Mỹ có thể thực hiện tốt hơn các hoạt động đồng thời như tại bán đảo Triều Tiên và tại Philippines, một nguồn tin hiểu rõ về các mục tiêu của sự tái tổ chức này cho hay.
“Đó là hoạt động đầu tiên của những gì sẽ trở thành nhip độ hoạt động thường xuyên hơn”, quan chức trên nói.
Phát ngôn viên Hạm đội 3 tại San Diego, Trung tá Ryan Perry, cho hay tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur là một phần của Nhóm hành động mặt nước (SAG) gồm 3 tàu, được triển khai tới Biển Đông 6 tháng trước. Ông Perry cũng xác nhận vai trò chỉ huy của Hạm đội 3.
Sự thay đổi đáng chú ý
Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, hồi năm ngoái đã bóng gió về một vai trò lớn hơn cho Hạm đội 3 khi ông cho biết ông đang xóa bỏ ranh giới hành chính theo đường ngày quốc tế, vốn phân chia Hạm đội 3 và 7.
Hồi đầu năm nay, một quan chức cho biết với Reuters rằng sẽ có thêm các tàu từ Hạm đội 3 có thể được cử tới Đông Á.
Động thái tái tổ chức trên, khiến Hạm đội 3 có vai trò tuyến đầu lớn hơn, diễn ra giữa lúc động lực cho chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ sụt giảm và trong bối cẳng sự bành trướng ngày càng gia tăng của Trung Quốc làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, chồng lấn lên các vùng biển của các quốc gia trong khu vực là Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.
Bắc Kinh lớn tiếng cáo buộc Washington cố tình tạo căng thẳng khi đưa các tàu chiến áp sát các đảo do Bắc Kinh chiếm đóng trái phép.
Cuộc tuần tra hàng hải mới nhất của Mỹ, và là thứ 4 cho tới nay, cũng diễn ra trong bối cảnh Tổng thống mới của Philippines, Rodrigo Duterte, tới Trung Quốc hồi tuần trước để tìm cách thúc đẩy quan hệ với nền kinh tế lớn nhất châu Á. Trong tuần này, ông Duterte sẽ có chuyến thăm Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, có trụ sở tại cảng Yokosuka gần thủ đô Tokyo (Nhật Bản) là hạm đội hải quân mạnh nhất tại châu Á với khoảng 80 tàu, trong đó có tàu sân bay USS Ronald Reagan.
Trong khi đó, Hạm đội 3 của Hải quân Mỹ có hơn 100 tàu, trong đó có 4 tàu sân bay.
Nhà Trắng giải thích về việc Mỹ đưa tàu chiến tới gần Hoàng Sa Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Josh Earnest hôm 22/10 đã xác nhận việc tàu USS Decatur hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. “Mục đích của sứ mệnh là duy trì các quyền và sự tự do của tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế như đã được quy định trong Luật Biển”, ông Earnest khẳng định. “Hoạt động này chứng tỏ rằng các quốc gia ven biển không thể giới hạn bất hợp pháp các quyền hàng hải, sự tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển mà Mỹ và tất cả các quốc gia khác thực hiện theo luật pháp quốc tế”. Ông Earnest cũng nhấn mạnh, Mỹ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hay ủng hộ các bên tuyên bố chủ quyền khác, nhưng muốn khẳng định rằng các tranh chấp tại khu vực đó phải được giải quyết thông qua đàm phán, chứ không phải bằng sức mạnh quân sự hoặc sự chèn ép. Phát ngôn viên Nhà Trắng nói thêm, hoạt động trên không nên được xem là “gây tranh cãi hay đối đầu”, mà chỉ là “một minh chứng về cam kết mạnh mẽ của chúng tôi đối với một nguyên tắc quan trọng phục vụ lợi ích của các quốc gia khắp thế giới”. (Theo UPI) |
Theo Dân Trí