Lý do Mỹ không nổi giận với ông Duterte dù phải nhận 'cú tát' vào vị thế

Thứ ba, 25/10/2016, 19:09
Cho dù phải nhận “cú tát” vào vị thế và chiến lược “xoay trục sang châu Á” của Mỹ từ chính những phát ngôn của Tổng thống Philippines Duterte, song Mỹ không nóng giận mà vẫn làm bạn với Philippines, vì sao vậy?

Ngày 25.10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đả kích mạnh mẽ Mỹ, nhấn mạnh rằng ông không khơi mào một cuộc chiến với Washington và Mỹ có thể quên thỏa thuận quân sự giữa hai nước nếu ông còn tại vị lâu hơn.

Phát biểu trước chuyến thăm Nhật Bản, Tổng thống Duterte tuyên bố ông phản đối sự hiện diện của bất kỳ binh sĩ nước ngoài nào ở Philippines và Mỹ có thể “quên” Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng với Philippines, nếu ông tại vị lâu hơn. Tuy nhiên, ông không nói rõ chi tiết.

Theo ông Duterte, Mỹ không nên đối xử với Philippines “như một chú chó bị xích”. Ông nhấn mạnh: “Tôi mong đợi đến thời điểm tôi không còn nhìn thấy bất kỳ binh sĩ hay quân lính nào ở đất nước tôi, ngoại trừ binh sĩ Philippines”.

Tổng thống Philippines Duterte dường như đã tạo ra một trong những cơn chấn động địa chính trị mạnh nhất tại châu Á kể từ sau Chiến tranh Lạnh khi tuyên bố từ bỏ Mỹ, đồng minh lâu năm của Philippines, để chuyến hướng sang mối quan hệ với Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Duterte.

Hành động này của ông Duterte bị đánh giá là “thiếu khôn ngoan”.

Mỹ đã có những phản ứng thận trọng, bởi ông Duterte là người có tính khí nóng nảy. Các quan chức hạn chế đưa ra những chỉ trích công khai, nhất là về cuộc chiến chống tội phạm của ông Duterte khi cuộc chiến này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 3.700 người trong vòng chưa đầy 4 tháng và làm dấy lên những mối lo sợ về việc tàn sát người hàng loạt không qua xét xử.

Thực tế, Nhà Trắng đa phần chấp nhận cố gắng hết sức để vượt qua cơn bão và nhấn mạnh quan hệ Mỹ - Philippines quan trọng hơn là ông Duterte. Song những ầm ĩ mà ông Duterte gây ra vẫn chưa chấm dứt.

Ngay cả một số quan chức Philippines cũng thừa nhận họ bị bất ngờ trước những ý định của ông Duterte cũng như quan chức ở Washington. Nhiều người cho rằng khả năng thực hiện việc “chia tay” của ông Duterte có thể bị hạn chế bởi chính các hoạt động và quan điểm chính trị của ông. Ông sẽ phải giành được sự ủng hộ của Quốc hội để rút khỏi hiệp ước bảo vệ lẫn nhau đang là nền tảng cho quan hệ hai bên.

Lịch sử và ảnh hưởng thương mại của Mỹ có thể là bến cảng cho ông Obama – và cả người kế nhiệm ông – trú ngụ để vượt qua cơn bão mang tên “Duterte”.

Trên thực tế, Mỹ vẫn đang có được sự ủng hộ mạnh mẽ tại Philippines, cả trong giới quân sự lẫn quần chúng.

Hơn ¾ người dân Philippines cho biết họ vẫn đặt lòng tin to lớn vào Mỹ, trong khi chỉ có dưới ¼ bày tỏ sự tin tưởng với Trung Quốc.  Mỹ đã rất khôn ngoan khi không phản ứng quá mạnh với những lời xúc phạm của ông Duterte. Những lời đe dọa cắt đứt viện trợ hoặc hỗ trợ quân sự sẽ chỉ làm thay đổi thái độ của công chúng đang theo hướng ủng hộ chiến dịch chống Mỹ của ông.

Ngoài ra, Mỹ vẫn còn đầy ắp những điểm ảnh hưởng khác. Các sĩ quan quân đội Mỹ chắc hẳn đã nhắc nhở các đối tác Philippines của họ rằng một sự rạn nứt sâu sắc trong quan hệ giữa hai nước sẽ gây ra những hậu quả chiến lược nghiêm trọng. Các đồng minh khác như Nhật Bản - đối tác thương mại lớn thứ ba của Philippines sau Trung Quốc và Mỹ - có thể đã âm thầm ủng hộ thông điệp này.

Lịch sử cho thấy Mỹ đã từng khắc phục được những bất đồng chiến lược với các đồng minh của mình, trong đó có cả Nhật Bản và Hàn Quốc và chắc chắn họ có thể làm được điều này một lần nữa với Philippines.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn