“Trên địa bàn TP.HCM hiện có nhiều hãng xe tổ chức đón, trả khách trong khu vực trung tâm, gây mất an toàn giao thông. Hoạt động này phát sinh là do có sự nhập nhèm về tình trạng xe hợp đồng trá hình nên muốn giải quyết triệt để thì phải sửa đổi Nghị định 86/2014.
Trong thời gian chờ, Sở GTVT TP.HCM sẽ tổ chức lại giao thông ở các khu vực này để hạn chế tình trạng trên. Trước mắt, từ ngày 29/10 các ôtô khách trên 25 chỗ sẽ bị cấm lưu thông trên một đoạn của đường Lê Hồng Phong, Vĩnh Viễn và Trần Nhân Tôn, quận 10”, Phó giám đốc Sở GTVT Lê Hoàng Minh thông tin.
Dí theo xe khách để cắm biển cấm
Ông Lê Hồng Việt, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT, cho biết từ tháng 3, Sở GTVT đã gắn nhiều biển cấm xe khách dừng, đậu ở nhiều khu vực, tuyến đường. Từ đó đến nay, thanh tra giao thông (TTGT) đã xử phạt gần 1.500 trường hợp đón, trả khách hoặc dừng đỗ không đúng nơi quy định.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, nhiều nơi dù đã có biển cấm dừng, cấm đậu nhưng hoạt động đón, trả khách vẫn lộn xộn. Tại đường Lê Hồng Phong (đoạn thuộc phường 4, quận 5) có hai phòng bán vé, trung chuyển khách của hãng xe Phương Trang.
Trong đó, địa chỉ 202-204 Lê Hồng Phong có nhiều xe 29 chỗ (theo quy định xe trung chuyển không quá 16 chỗ - NV) đón, trả khách với tần suất khoảng 10-15 phút/chuyến. Có lúc một đoàn gần năm chiếc liên tục ra vào.
|
Mỗi khi xe Phương Trang 29 chỗ vừa vào nhà số 202-204 Lê Hồng Phong (phường 4, quận 5, TP.HCM) là các taxi, xe ôm ào đến, đậu kín cả nửa con đường. |
Để tránh bị phạt, các xe này chui tọt vào trong nhà đón, trả khách. Bên ngoài, nhiều tài xế xe ôm, xe taxi ùa tới tranh giành khách.
“Trên đường Lê Hồng Phong thuộc phường có 11 công ty kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách, trong đó có hai công ty lớn là Phương Trang và Thành Bưởi. Hằng ngày tuyến đường này thường xuyên có một lượng lớn xe khách, xe trung chuyển, xe tải chở hàng, xe taxi, xe ôm gây mất trật tự.
Vì vậy, phường vừa phối hợp với TTGT xử lý, vừa đề nghị đặt bảng cấm xe khách dừng, đậu. Kể từ khi có biển cấm, tình hình xe khách dừng, đậu lấn chiếm lòng đường đã được giải quyết triệt để” - bà Diệc Tuyết Mai, Phó chủ tịch UBND phường 4, quận 5, nói.
Về việc gần đây lại xuất hiện nhiều xe Phương Trang 29 chỗ đón, trả khách tại 202-204 Lê Hồng Phong, bà Mai giải thích: “Các xe này chạy thẳng vào nhà, đón, trả khách rồi chuyển ra mà không đậu ngoài đường nên phường chỉ có thể nhắc nhở chứ không có cơ sở xử phạt”.
Chưa có biện pháp hữu hiệu
Theo ông Lê Hồng Việt, lâu nay nhiều xe đăng ký hoạt động theo hình thức hợp đồng nhưng hoạt động như tuyến cố định.
“Các xe này liên tục chạy từ một điểm này đến các địa phương khác và ngược lại theo giờ xuất bến cụ thể, tương tự xe chạy tuyến cố định. Cơ sở dữ liệu do thiết bị giám sát hành trình thể hiện rõ nhưng theo quy định đây không được coi là căn cứ xử lý các xe trá hình” - ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT, giải thích thêm.
Theo thống kê của Sở GTVT, hiện nay ở TP.HCM có 85 điểm (hoạt động theo giấy phép làm bãi đậu xe, chi nhánh, văn phòng doanh nghiệp vận tải…) làm nơi ôtô đón, trả khách, trong đó có 27 điểm không đảm bảo an toàn giao thông. Nếu tính thêm các điểm bến “cóc” (tức hoạt động chui) thì con số này còn cao hơn rất nhiều.
“Tới nay chưa có biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh tình trạng xe khách tại các tụ điểm trái phép dưới danh nghĩa xe du lịch, hợp đồng đón, trả khách” - Sở GTVT nhìn nhận.
Theo Nghị định 86/2014 và Thông tư 63/2014 của Bộ GTVT, các xe du lịch, xe hợp đồng không được bán vé, xác nhận đặt chỗ dưới mọi hình thức. Thực tế có nhiều xe hợp đồng nhận khách, xác nhận đặt chỗ và làm khống hợp đồng, song TTGT không có nghiệp vụ xác định những hành vi vi phạm này.
“Sở GTVT vừa đề nghị Sở Nội vụ có tờ trình để UBND TP lập đoàn kiểm tra liên ngành với thành phần có đại diện Công an TP nhằm xử lý dứt điểm xe “dù”, xe khách trá hình.
Ngoài ra, trong quy định xử phạt cũng cần bổ sung, cho phép từ căn cứ dữ liệu của “hộp đen”, nếu xác định xe hợp đồng, du lịch cứ liên tục đi, đến với hai điểm đầu, điểm cuối thường xuyên (là dạng xe trá hình) thì được phép xử phạt” - ông Minh đề xuất thêm.
Siết xe đò, nở xe hợp đồng Một lãnh đạo Vụ Vận tải, Bộ GTVT nhìn nhận quy định về điều kiện kinh doanh đối với xe hợp đồng, xe du lịch còn đơn giản nên nhiều hãng xe xin phép hoạt động theo hình thức này. Sau đó, họ lợi dụng xe hợp đồng để nhận đặt chỗ gây ra tình trạng tranh giành khách, làm mất trật tự vận tải... Ngoài ra, thời gian qua các địa phương siết chặt điều kiện kinh doanh xe đò, taxi và xe buýt và điều này góp phần làm xe hợp đồng phát triển mạnh và dẫn đến hiện tượng xe “dù”, bến “cóc” ngày càng phức tạp. Đặc biệt là ở Hà Nội, TP.HCM. Để giải quyết bất cập này, Bộ GTVT đã trình dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014 theo hướng sẽ có các quy định chặt chẽ để xử lý xe khách trá hình, đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở các địa phương, đồng thời tạo môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh. Xóa xe “dù” nhưng vẫn tạo tiện lợi cho dân Phía sau các gian hàng buôn bán cây cảnh trên đường Thành Thái nối dài (phường 14, quận 10) diễn ra hoạt động đón, trả khách khá rầm rộ. Khi PV vào bên trong thì thấy có rất nhiều xe khách đang đậu như của hãng Gia Phúc (Miền Đông - Cam Ranh), Phúc Thuận (Miền Đông - Tuy Hòa), Hưng Phú (Miền Đông - Phan Rang), Năm Thùy (Miền Đông - Buôn Ma Thuột)… Thấy PV, người của hãng xe Gia Phúc (45 chỗ) đến mời chào: “Em đi Cam Ranh thì lên tại đây luôn, 7h tối xe xuất phát. Giá vé 200.000 đồng”. Khi được hỏi xe chạy như thế nào, người này cho biết xe đón khách tại đây rồi chạy qua đường để đón thêm khách, sau đó chạy theo hướng ra Bến xe Miền Đông. Tuy nhiên, xe cũng không vô bến mà đón khách tại cây xăng trên quốc lộ 13 rồi chạy khỏi TP.HCM. Các xe khác ghi biển Miền Đông… cũng có lộ trình tương tự. Tại khu vực ghi là bãi xe 1B đường Bắc Hải cạnh đó cũng trưng ra rất nhiều tấm biển quảng cáo nhà xe. Tại đây, bà Lê Thị Oanh (67 tuổi, quê Bình Định) cho biết bà đã mua vé đi Bình Định là 300.000 đồng và đang chờ đến giờ xe chạy. Khi được hỏi vì sao không ra bến xe, bà Oanh nói: “Tôi ở trọ gần đây nên ra chỗ này đón xe cho gần. Vả lại, giá vé của các xe tại đây chênh lệch không nhiều so với các xe ngoài bến lớn”. Sở GTVT nhìn nhận chính tâm lý muốn đi lại thuận tiện như trên đã tạo đất sống cho hoạt động của xe “dù”, xe khách trá hình, làm căng thẳng thêm ùn tắc giao thông trên địa bàn. Vì vậy, Sở GTVT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan bàn giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng bến “cóc”, xe “dù” trên địa bàn. Tuy vậy, Sở GTVT cũng sẽ phê duyệt, đầu tư và công bố các điểm đón, trả khách trên địa bàn TP.HCM để người dân đi xe tuyến cố định được lên, xuống thuận tiện tại các nơi này chứ không nhất thiết phải vào các bến xe. 11.740 là số xe trên chín chỗ chạy hợp đồng ở TP.HCM, chưa kể số xe từ các tỉnh, thành khác vào TP. Con số này gấp gần 2,8 lần tổng số xe đang hoạt động tại hai bến xe Miền Đông và Miền Tây. |
Theo Zing