|
Ông Vladislav Surkov (trái), người cố vấn có sức ảnh hưởng lớn trong các quyết định của Tổng thống Putin - Ảnh: Reuters |
Vụ tấn công do Cyber Alliance, một mạng lưới các nhóm hacker ở Ukraine thực hiện. Động thái này nhằm phản đối Nga sau khi nước này gây ra hàng loạt vụ xung đột và ly khai tại Ukraine.
Hồi cuối tháng 10, nhóm này đã tấn công và tung hàng loạt email được cho là của các cố vấn cấp cao của Tổng thống Putin.
Trả lời phỏng vấn riêng với hãng tin Reuters, hai thành viên của nhóm RUH8 thuộc mạng lưới Cyber Alliance nói rằng họ sẽ không dừng lại nếu cuộc chiến ở miền Đông Ukraine vẫn còn tiếp diễn.
“Những người bạn của chúng tôi đang cầm súng ở chiến hào. Chúng tôi may mắn vì không phải ở đó mà ngồi ở nhà, sống trong cảnh yên ấm cùng với chiếc bàn phím. Vậy thì làm sao mà chúng tôi có thể phản bội lại họ được?”, một người nói trong lúc vẫn còn đeo mặt nạ để che giấu danh tính.
“Chúng ta sống ở thế kỷ 21, vậy nên việc sở hữu thông tin, phân tích và sử dụng chúng một cách đúng đắn đóng vai trò rất quan trọng”, người này giải thích.
|
Hacker tự xưng thuộc nhóm RUH8 người Ukraine dùng mặt nạ khi trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters |
Sáng sớm 3-11, Cyber Alliance tiếp tục tung ra hàng loạt các email khác được nhóm này cho là lấy từ một tài khoản có liên quan đến ông Vladislav Surkov, người cố vấn có sức ảnh hưởng lớn trong các quyết định của Tổng thống Putin.
Các hacker của nhóm RUH8 cho biết sẽ tung ra nhiều email của Surkov trong vòng một tuần, đồng thời tiết lộ họ đang nắm giữ thông tin liên quan đến người phát ngôn điện Kremlin, Dmitry Peskov và sẽ công bố sau.
Nếu các email bị lộ là thật, có thể thông qua đó để thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa Surkov và phe ly khai. Ngoài ra, còn có các kế hoạch mà Nga sử dụng để làm khuấy động tình trạng bất ổn ở Ukraine.
Một email do một quan chức Nga gửi cho ông Surkov hồi tháng 4-2015 đề xuất việc thành lập nhóm dân sự tại vùng Kharkov ở Ukraine nhằm “huy động các bất đồng chính kiến, phê bình chính trị của chính quyền Kiev” và mong muốn được tự chủ hơn.
Một email khác được gửi từ tháng 12-2015 chứa danh sách và sơ yếu lý lịch các ứng viên cho vị trí lãnh đạo trong lãnh thổ của lực lượng nổi dậy tại Luhansk, làm dấy lên thêm nghi vấn về vai trò mật thiết của Điện Kremlin trong vấn đề chính trị nội bộ của chính quyền li khai tự xưng tại Ukraine.
Tháng 2-2016, người đứng đầu Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) Alexander Zakharchenko gửi lời cảm ơn đến ông Surkov vì đã giúp đỡ xây dựng một nhà nước độc lập ở khu vực Donbass phía Đông Ukraine.
“Quá trình này không thể thành hiện thực nếu không có sự giúp đỡ và hỗ trợ từ người dân Nga, các nhà lãnh đạo và đặc biệt là từ anh”, email này viết.
Văn phòng báo chí của chính quyền Nga chưa đưa ra lời bình luận nào về vụ việc này. Trước đó, văn phòng này nói ông Surkov không sử dụng email.
Chính quyền Nga liên tục phủ nhận cáo buộc từ Kiev và NATO cho rằng quốc gia này đang đóng vai trò chủ động trong nạn ly khai và xung đột đã khiến gần 10.000 chết kể từ năm 2014.
Trong một bài viết trên trang Medium, phòng thí nghiệm nghiên cứu kỹ thuật số của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) nói rằng bằng chứng cho thấy các email bị lộ của ông Surkov là thật. Tuy nhiên, với số lượng hơn 3.500 email thì rất khó để kiểm tra tính xác thực của từng nội dung.
Các hacker của nhóm RUH8 nói họ đã chuyển giao thông tin cho đơn vị an ninh của Ukraine, nhưng không nhận bất cứ hỗ trợ tài chính hay kỹ thuật nào từ phía này hoặc từ các quốc gia phương Tây.
“Các nhóm hacker của Ukraine có khả năng sử dụng công nghệ cao nên không cần thiết phải nhận sự giúp đỡ của Mỹ hay từ các nước NATO khác”, người này nói.
Theo TTO