Ông Nguyễn Nho Trung (Phó chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy) cho biết, chiều 27/12, Ban thường vụ Thành ủy có cuộc họp quyết định việc sẽ làm hầm vượt sông Hàn hay không. Đây là cuộc họp thứ 4 trong vòng hơn một năm qua của lãnh đạo Đà Nẵng bàn về chủ đề này.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia lo ngại tính hiệu quả của phương án làm hầm qua sông Hàn.
Vị trí đang tranh cãi về việc có nên làm hầm qua sông Hàn |
Ông Hoàng Sừ (nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam) cho hay, với quy mô dự kiến trên 4.000 tỷ đồng, hầm chui sông Hàn thuộc dự án nhóm A. Công trình này phải lập báo cáo tiền khả thi, xác định cho được nhu cầu thực sự của Đà Nẵng trong việc làm hầm chui tại vị trí đầu đường Như Nguyệt.
Theo ông Sừ, hầm Thủ Thiêm với quy mô 6 làn xe, phục vụ cho việc kết nối trung tâm TP.HCM với khu vực phía Đông Bắc thành phố và sân bay, khu công nghiệp ở Đồng Nai. Hàng ngày có hơn 28.000 xe ôtô, 200.000 xe máy lưu thông qua hầm Thủ Thiêm. Tương tự, sông Hoàng Phố đoạn chảy qua TP.Thượng Hải (Trung Quốc) dài khoảng 70km, kết nối 2 bờ bằng 5 cây cầu và 9 hầm chui, khoảng cách bình quân giữa các cầu - hầm khoảng 5-6km, mỗi cầu – hầm đảm nhận giao thông cho khoảng 1,7 triệu dân.
Từ các số liệu trên, ông Sừ cho rằng Đà Nẵng chỉ có một triệu dân nhưng từ cầu Đỏ đến cầu Thuận Phước dài khoảng 12km có đến 10 cầu. Bình quân 1,2km một cầu, mỗi cây cầu chỉ gánh 100.000 dân, "có thể nói mật độ cầu bắc qua sông ở Đà Nẵng dày đặc nhất nước".
Ông phân tích, khu vực dân cư phía quận Sơn Trà từ cầu quay sông Hàn và cầu Thuận Phước, nơi đang được thành phố quyết chủ trương làm hầm vượt sông, chỉ có diện tích khoảng 10km2, dân số 3 phường Nại Hiên Đông, Mân Thái và Thọ Quang vào khoảng 150.000 dân và không có khả năng tăng đột biến. Do đó, nếu nhất quyết làm hầm với quy mô 6 làn xe, bình quân mỗi cây cầu và hầm ở khu vực này chỉ phải gánh 50.000 dân.
"Với quy mô này, thậm chí cho tăng gấp đôi, gấp ba dân số hiện nay cũng là quá nhỏ bé, liệu có cần thiết phải lấy dao mổ trâu để giết gà không?", ông Sừ nêu vấn đề và cho rằng nên mở rộng cầu quay sông Hàn, xây dựng nút giao thông lập thể trên tất cả các điểm nút trọng yếu, cải tạo các ngã tư lớn trên toàn thành phố.
Ông Trần Dân khẳng định Hội Cầu - đường đã không ký vào văn bản đề nghị làm hầm. |
Ông Trần Dân, Phó chủ tịch thường trực Hội Cầu-đường Đà Nẵng, cho biết tính về giao thông đô thị thì vị trí dự kiến làm hầm "nếu chuyển sang làm một cây cầu sẽ tốt hơn".
Vừa qua, Mặt trận Tổ quốc TP.Đà Nẵng và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP được mời phản biện phương án làm hầm hình chữ Z của đơn vị tư vấn thuộc Bộ Giao thông, sau đó hai cơ quan này đề nghị phải tổ chức một cuộc thi. Ngày 25/9, hội đồng chấm thi đưa ra kết luận đề nghị làm hầm, nhưng đại diện của Hội cầu-đường không đồng tình nên không ký vào biên bản.
"Lý do vì không đúng như chuyên môn chúng tôi được học và biết, không phải một mình tôi mà cả một Ban khoa học. Chúng tôi là những người làm chuyên môn, nhận thức sao thì nói vậy", ông Dân giải thích.
Theo ông Dân, nếu làm một cây cầu qua vị trí nêu trên thì tối đa cần khoảng 2.000 tỷ đồng, còn làm hầm khoảng 4.000 tỷ đồng là một số tiền lớn trong điều kiện Đà Nẵng còn nghèo. Thêm vào đó, việc quản lý, duy tu hàng năm khoảng 30 tỷ.
Cuối tháng 9, UBND TP.Đà Nẵng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tổ chức cuộc thi tuyển chọn phương án kiến trúc cho công trình vượt sông Hàn. 11 đơn vị hợp thành 6 liên danh đề xuất 7 phương án. Trong đó có duy nhất một đề xuất làm hầm chui, còn lại chọn cầu nổi với kiến trúc độc đáo. Phương án hầm của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC -Bộ Giao thông Vận tải) liên danh với Oriental Consultants Global Company LTD (Nhật Bản) với ý tưởng làm hầm chui dài hơn 1.300m, có thêm điểm nhấn là các nút giao thông khác mức và đường gom phía bờ Tây. Tổng mức đầu tư dự án 4.100 tỷ đồng, chi phí vận hành 26,4 tỷ đồng/năm. |
Theo VNE