Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong khoảng hơn hai thập kỷ trở lại đây đã làm dấy lên câu hỏi quá trình này sẽ diễn ra êm đềm, hay sẽ khiến căng thẳng và xung đột gia tăng khi Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh với Mỹ cho vị trí dẫn đầu. Một trong những yếu tố quan trọng thu hút sự quan tâm của giới phân tích chính là quá trình hiện đại hoá nhanh chóng của các lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Chiến lược quốc phòng hướng ra đại dương
Quân đội Trung Quốc cho tới trước năm 2000 luôn bị đánh giá là có chất lượng kém cả về vũ khí trang bị lẫn kinh nghiệm thực chiến. Trong suốt khoảng thời gian năm thập kỷ kể từ khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được thành lập, “đất thống trị biển” vẫn là tư duy chủ đạo của các chiến lược gia quân sự Trung Quốc.
Tư duy này đến từ cả thực tế chủ quan và khách quan, tới từ môi trường an ninh và điều kiện phát triển của Trung Quốc đương thời. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó xem mối đe doạ từ Liên Xô và các căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là chủ đạo, do đó tập trung tăng cường tiềm lực quốc phòng trên bộ, kết hợp với các lý thuyết và phương thức tổ chức chỉ huy quân sự kiểu Xô-viết.
Kể từ khi tiến hành mở cửa nền kinh tế năm 1978, tăng trưởng bùng nổ khiến vị thế quốc gia của Trung Quốc lên cao chưa từng thấy. Không khó hiểu khi lãnh đạo nước này nuôi tham vọng lấy lại vị thế cường quốc dẫn đầu khu vực. Để có thể chạm được tới “giấc mơ Trung Hoa”, đồng thời với việc tìm cách giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển, thì hiện đại hoá quân đội là sự lựa chọn đậm chất hiện thực của TQ.
Có thể thấy, phát triển hải quân và không quân đã trở thành bước đi tiên phong trong nỗ lực hiện đại hoá quân đội của Trung Quốc. Sự phát triển của kinh tế biển, của thương mại toàn cầu và không gian phát triển hạn hẹp trên đất liền là lực đẩy khiến Trung Quốc “hướng biển”. Môi trường an ninh quốc tế hiện đại với toàn cầu hoá, hoà bình và hợp tác là chủ đạo đã khiến Trung Quốc chuyển dịch từ tư duy “đất thống trị biển” sang tìm cách khai thác và kiểm soát vùng biển cả rộng lớn ở phía đông và phía nam của đất nước.
Cạnh tranh Mỹ - Trung ở cả hiện tại và tương lai xuất phát từ bối cảnh như thế. Trong tư duy của một bộ phận lãnh đạo và chiến lược gia Trung Quốc, Mỹ nên “nhường” quyền lãnh đạo ở khu vực Tây Thái Bình Dương, vốn được họ xem là vùng ảnh hưởng truyền thống, cho Trung Quốc. Các vùng biển mà Trung Quốc xem là “biển gần” như Biển Đông hay biển Hoa Đông là những vùng đệm mà nước này cho rằng nếu không thể bảo vệ hay kiểm soát, sẽ khiến lợi ích chiến lược của quốc gia bị đe doạ một khi có xung đột xảy ra trước một đối thủ có năng lực quân sự vượt trội hơn.
Tư duy địa chính trị hiện thực này chính là một trong những nguyên nhân khiến quân đội Trung Quốc đang ngày càng được đầu tư hiện đại hoá mạnh mẽ. Trang thiết bị kỹ thuật, trình độ chỉ huy - kiểm soát và cả cấu trúc của toàn bộ lực lượng vũ trang Trung Quốc cần phải thay đổi để thích nghi với quan điểm chiến lược mới và cả những mối đe doạ mới.
Ông Tập Cận Bình trong một chuyến thị sát hồi tháng 4/2016. |
Cải cách cấu trúc quân đội là ưu tiên
Trong khi hiện đại hoá trang thiết bị vũ khí khí tài là điều mà Trung Quốc đã và đang thực hiện từ khoảng một thập niên trở lại đây, thì vấn đề cải cách cấu trúc mới chỉ chính thức được thực hiện từ cuối năm 2015. Đây được đánh giá là đợt cải cách cấu trúc mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của quân đội Trung Quốc, với mục tiêu tăng cường khả năng chiến đấu và chiến thắng trong tình hình mới. Quá trình cải cách này bao gồm nhiều mục tiêu và sẽ là trọng tâm hiện đại hoá của quân đội Trung Quốc từ nay tới 2020.
Học thuyết chiến tranh mới nhất của Trung Quốc với mục tiêu “chiến thắng một cuộc chiến tranh ở khu vực trong điều kiện thông tin hoá” phản ánh rõ hướng đi mà quân đội phải nhắm tới. Với cấu trúc chỉ huy và kiểm soát cũ theo mô hình Xô-viết, Trung Quốc sẽ khó có thể đạt được mục tiêu trên. Đích đến của quá trình tái cấu trúc sẽ là xây dựng hoàn thiện một cấu trúc chỉ huy theo mô hình phương Tây: mệnh lệnh được đưa ra nhanh chóng, hệ thống chỉ huy tinh gọn, hiệu quả và mang tính tích hợp, kết hợp với các tiến bộ về khoa học công nghệ vào toàn bộ hệ thống.
“Phát súng” cải cách đầu tiên được đưa ra khi Tổng bí thư Tập Cận Bình tuyên bố cắt giảm 300.000 quân từ nay cho tới 2017. Quân số của lục quân và các lực lượng phi tác chiến và hành chính sẽ được cắt giảm nhằm tiết kiệm chi phí và sắp xếp lại bộ máy. Lục quân Trung Quốc sẽ dần dần hoạt động theo mô hình lấy lữ đoàn làm hạt nhân (thay vì hạt nhân là cấp quân đoàn như trước đây).
Quân đội Trung Quốc cũng đã cắt giảm số quân khu từ bảy xuống còn năm, và biến các quân khu trở thành các “vùng chiến thuật” với tư lệnh của mỗi vùng có toàn quyền trong việc “điều binh khiển tướng” mà không cần phải mất thời gian hỏi xin ý kiến điều động quân lực từ các tư lệnh quân chủng.
Trung Quốc cũng tiến hành thành lập Bộ tư lệnh Lục quân riêng, thành lập mới Bộ Tư lệnh Tên lửa, tiền thân là Binh đoàn Pháo binh số hai, có nhiệm vụ kiểm soát kho vũ khí tên lửa hạt nhân và Bộ Tư lệnh Hỗ trợ Chiến lược có nhiệm vụ kiểm soát các hoạt động của quân đội trên các môi trường tác chiến mới như trên vũ trụ hay trên không gian mạng. Ngoài ra, để tăng cường vai trò lãnh đạo “tập trung và thống nhất” của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với quân đội, bốn Tổng cục cũ trực thuộc Quân uỷ Trung ương được thay thế bằng 15 cục và phòng ban khác nhau.
Có thể thấy, cải cách cấu trúc giúp quân đội Trung Quốc thiết lập một hệ thống chỉ huy hỗn hợp gọn nhẹ và hiệu quả. Cùng với đó là một lực lượng lục quân chuyên nghiệp hơn và tác chiến dựa trên công nghệ, kỹ năng hơn là bằng ưu thế về quân số.
Cùng với hải quân và không quân cũng đang được hiện đại hoá cấp tập, TQ hy vọng cải cách được cấu trúc chỉ huy và kiểm soát sẽ giúp nước này có khả năng giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh mà ở đó đối thủ chiếm ưu thế hơn về công nghệ.
Theo Vietnamnet