|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Tờ People's Tribune, ấn phẩm của People's Daily, mới đây công bố kết quả cuộc khảo sát trên 15.000 người, cho thấy phần lớn người dân Trung Quốc muốn ông Tập Cận Bình trở thành một lãnh đạo "hạt nhân", thuật ngữ ám chỉ quyền lực tối cao của nhà lãnh đạo duy nhất, theo khuôn mẫu của cố lãnh đạo Mao Trạch Đông của nước này, AFP đưa tin.
Bình luận viên Joyce Lee củaTime cho rằng kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc. Với sự tập trung quyền lực cao độ, ông Tập giờ đây nắm giữ 10 vị trí lãnh đạo có thể giúp ông kiểm soát Đảng Cộng sản và quân đội Trung Quốc.
Nắm giữ quân đội
Theo Alice Lyman Miller, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Hoover, giảng viên khoa Đông Á tại Đại học Stanford, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là một bộ phận quan trọng trong nền chính trị đất nước, và mối quan hệ với PLA là một yếu tố trọng yếu đối với quyền lực của nhà lãnh đạo tối cao.
Việc ông Tập đảm nhiệm vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương ngay sau khi tiếp quản quyền lực từ tay người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào là một lợi thế rất lớn. Ông Hồ Cẩm Đào chỉ được bàn giao vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương – chiếc ghế nắm giữ quyền lực đối với quân đội – ba năm sau khi nhậm chức.
Người tiền nhiệm của ông Hồ Cẩm Đào là Giang Trạch Dân cũng mất 5 tháng mới tiếp quản được vị trí này từ tay Đặng Tiểu Bình vào năm 1989. Miller cho rằng ông Tập đã trải qua quá trình tiếp quản quyền lực thuận lợi hơn rất nhiều so với những người tiền nhiệm.
Ảnh hưởng của ông đối với PLA còn thể hiện qua các chuyến thăm tới các đơn vị quân đội. Trong khi Hồ Cẩm Đào chỉ thỉnh thoảng tới thăm các đơn vị lực lượng vũ trang và gặp gỡ tướng lĩnh quân đội, ông Tập Cận Bình lại thường xuyên có những hoạt động như vậy và được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Chỉ trong năm đầu tiên sau khi nắm quyền, ông Tập đã tới thăm 6 trên 7 quân khu cùng các căn cứ hải quân lớn ở Đại Liên và Tam Á và bộ chỉ huy Quân đoàn pháo binh số 2. Trong khi đó, ông Hồ Cẩm Đào chỉ tới thăm hai quân khu trong năm đầu tiên giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Theo giới phân tích, các chuyến thăm này thể hiện sự thoải mái của ông trong việc tiếp xúc với các chỉ huy cấp cao của PLA, cũng như sự chấp nhận của họ đối với quyền lực và vị thế lãnh đạo của ông.
|
Ông Tập (thứ 4 từ trái sang) mặc trang phục rằn ri gặp gỡ các tướng lĩnh quân đội. |
Quyền lực lớn với quân đội là tiền đề để ông Tập thực hiện kế hoạch đầy tham vọng nhằm thực hiện cuộc cải tổ lớn nhất trong lịch sử nhiều thập niên của PLA, với một loạt những xáo trộn lớn, trong đó có động thái cắt giảm tới 300.000 quân nhân. Các tướng lĩnh cấp cao và cơ quan ngôn luận của PLA đều kêu gọi các sĩ quan, binh sĩ ủng hộ kế hoạch này của ông Tập và thể hiện sự trung thành đối với ông.
Chế độ lãnh đạo tập thể
Báo chí Trung Quốc trước đây đều đề cập tới hoạt động của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa 14 và 15 là "lãnh đạo tập thể với đồng chí Giang Trạch Dân làm hạt nhân", thể hiện quyền lực cao nhất của Tổng bí thư trong chế độ lãnh đạo tập thể của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc khóa 16 và 17 lại được báo chí nước này mô tả là hoạt động theo chế độ "lãnh đạo tập thể với đồng chí Hồ Cẩm Đào là Tổng bí thư", ám chỉ ông Hồ Cẩm Đào chỉ là người đứng đầu trong những người tương đồng thuộc Bộ Chính trị. Cách mô tả này đối với Ban thường vụ khóa 18 dưới thời ông Tập Cận Bình không hề thay đổi trong những năm đầu tiên.
Willy Lam, giáo sư chính trị tại Đại học Trung Quốc, Hong Kong cho rằngviệc People's Tribunecông bố khảo sát gọi ông Tập là "lãnh đạo hạt nhân" là một dấu hiệu cho thấy ông đang củng cố quyền lực để lấy lại vị thế như nguyên chủ tịch Giang Trạch Dân.
Theo bình luận viên Matt Wordsworth của ABC, từ năm ngoái, các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu gọi ông Tập là "Lãnh đạo Hạt nhân", thể hiện vị thế và quyền lực ngày càng lớn mà ông Tập đang nắm giữ trong tay.
Trong kỳ họp thứ ba Quốc hội Trung Quốc khóa 12 diễn ra vào tháng 3/2015, một đại biểu tỉnh Hắc Long Giang tuyên bố ông Tập là "hạt nhân của hạt nhân", khẳng định "Toàn thể mọi người đều ủng hộ ông ấy. Ai cũng có lợi, ai cũng vui mừng".
"Tập Cận Bình không chỉ là lãnh đạo Trung Quốc, ông còn là lãnh đạo của thế giới. Ông đưa ra những quyết định còn quan trọng hơn Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình", Lý Vương, đại biểu Thượng Hải, khẳng định.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng trong thời gian tới, ông Tập sẽ phải nỗ lực rất nhiều để củng cố quyền lực của mình nhằm đạt được thành tựu lớn giống như những người tiền nhiệm.
|
Từ trái qua phải: Ông Tập Cận Bình, ông Hồ Cẩm Đào, ông Giang Trạch Dân. |
Trong khi ông Giang Trạch Dân ghi dấu ấn với việc đưa Trung Quốc gia nhập WTO, cải cách các doanh nghiệp nhà nước, đề ra chính sách với đảo Đài Loan…, ông Hồ Cẩm Đào thành công với việc tăng GDP Trung Quốc lên gấp 4 lần giai đoạn 2002-2012 và tổ chức thành công Olympic 2008, ông Tập đến nay chưa tạo được thành tựu nào đáng kể ngoại trừ kỳ vọng về những điều lớn lao trong khái niệm "Giấc mơ Trung Hoa" do ông khởi xướng, theo bình luận viên Kerry Brown của Diplomat.
Brown cho rằng quyền lực lớn của ông Tập được xây dựng dựa trên những cam kết về tăng trưởng kinh tế, sự phát triển xanh và bền vững, cũng như lòng tự tôn và địa vị dân tộc của Trung Quốc. Tuy nhiên, những cam kết về "Giấc mơ Trung Hoa" đó đến nay chưa thu được những sự thừa nhận rõ ràng.
"Tất cả những lời kêu gọi củng cố quyền lực cho ông Tập đều đang tạo ra kỳ vọng lớn về một thành tựu quan trọng mà ông có thể đạt được, có tầm vóc tương đương như việc gia nhập WTO hay tiếp quản Hong Kong. Đây sẽ là thách thức lớn mà ông Tập sẽ phải đối mặt trong thời gian tiếp theo", Brown nhấn mạnh.
Theo VNE