Lãnh đạo thôn Trung Thôn (xã Quảng Trung) họp dân bàn phương án nhận cứu trợ sau “sự cố” xảy ra. |
Trận lũ lụt vào giữa tháng 10 vừa qua ở Quảng Bình đã để lại hậu quả nặng nề.
Chia sẻ với nỗi khổ của người dân, ngay sau khi lũ rút, nhiều đoàn từ thiện trong và ngoài nước đã tìm đến chung tay, góp sức nhằm giúp người dân Quảng Bình vượt qua khó khăn trước mắt. Họ đến với tất cả tấm lòng thiện nguyện, từ thùng mì ăn liền, bao gạo, chai dầu ăn, bộ áo quần... đến những đồng tiền gom góp được, đã giúp người dân gượng dậy sau thiên tai bão lũ.
Thời gian gần đây, có những thông tin liên quan thu lại tiền cứu trợ ở Quảng Bình khiến những nhà từ thiện buồn lòng, nhân dân cả nước bất bình. Tuy nhiên, xem xét một cách thấu đáo thì sự việc không đến mức nghiêm trọng như chúng ta đang thấy.
Cũng bị thiệt hại trong lũ lụt, nhưng có địa phương, hộ gia đình được quá nhiều đoàn cứu trợ nhưng không ít địa phương, hộ gia đình rất ít hoặc không có đoàn cứu trợ nào đến hỗ trợ.
“Các đoàn từ thiện luôn mong muốn trao quà cho những hộ khó khăn nhất, buộc lòng địa phương phải chiều ý họ. Thành ra, rất nhiều hộ khó khăn khác không được nhận quà cứu trợ. Phần lớn hàng hóa nhu yếu phẩm, các đoàn từ thiện thường yêu cầu trao tập trung, còn tiền mặt thì phải đến hộ gia đình trao tận tay. Buộc lòng chúng tôi phải chọn những hộ gia đình khó khăn nhất để đoàn cứu trợ yên tâm, dẫn đến, hộ thì quá nhiều, hộ lại quá ít, hoặc không có, tạo nên bất cập” - một lãnh đạo ở địa phương bị ngập lụt nói.
Bà Phan Thị Soa (xã Quảng Trung) nói nộp lại tiền là tự nguyện. |
Không tư túi một đồng
Một trưởng thôn (xin được giấu tên) tiết lộ: Vì năm nào địa phương cũng ngập lụt nặng nên cũng hay được cứu trợ. Dân thì đông, phần lớn khó khăn như nhau nên đều cần được cứu trợ, trong lúc không phải đoàn cứu trợ nào cũng đủ các suất quà cho người dân. Để hài lòng các nhà từ thiện cũng như vừa lòng người dân, năm nào cũng vậy, ngay từ đầu mùa mưa lũ, thôn họp dân bàn phương án nhận quà cứu trợ.
Hộ nào đặc biệt khó khăn thì không bị thu lại tiền, các hộ còn lại sẽ đại diện tất cả các hộ trong thôn nhận quà, sau đó về nộp lại để thôn điều phối. Tất cả thống nhất ký vào biên bản họp thôn, người dân trong thôn ai cũng hài lòng. “Nói thật, phải làm thế cũng chỉ vì bất đắc dĩ. Nếu chúng tôi không làm thế sẽ mất công bằng, không sống nổi với dân” - vị trưởng thôn nói.
Liên quan chuyện lãnh đạo thôn thu lại tiền của các hộ dân ở xã Quảng Hải và Quảng Trung (TX Ba Đồn), mặc dù bị dư luận lên án nặng nề, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu xử lý nghiêm nhưng lãnh đạo các xã này buộc phải nương nhẹ, vì họ thấu hiểu cái khó của các trưởng thôn.
Ông Cao Xuân Ngọc, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải cho biết: Ngày 22/10, đoàn cứu trợ cổ động viên bóng đá Hải Phòng về cứu trợ nhưng không thông báo trước. Đoàn mang về rất nhiều hàng hóa và tiền mặt: 21,5 tấn gạo, 500 thùng mì ăn liền, 3 tấn áo quần và 250 triệu đồng tiền mặt. Đoàn về lúc 10 giờ, 11 giờ, nhân dân toàn xã tập trung đông đủ. Đoàn đi đông, lại nhiệt tình nên việc phát hàng cứu trợ cũng hoàn thành nhanh. Sau khi phát hàng trực tiếp cho người dân, mặc dù rất mệt, nhưng đoàn vẫn yêu cầu chọn mỗi thôn 20 hộ khó khăn nhất để phát tiền tận tay.
Sáng hôm sau một số hộ tìm đến lãnh đạo thôn tự nguyện xin nộp lại tiền để thôn điều phối. Trước tình hình này, các thôn họp cấp ủy mở rộng, cùng Ban công tác Mặt trận thống nhất thu lại tiền của các hộ dân để điều phối, vì số tiền quá lớn, có hộ được nhận đến 3 triệu đồng. Hầu hết các hộ thống nhất nộp lại tiền, có một số hộ phản đối. Có hộ tự nguyện nộp lại tiền nhưng thôn không thu vì bị chìm tàu cá trong trận lũ vừa qua. Sau khi thông tin báo chí lên, lãnh đạo xã đã họp với các trưởng thôn yêu cầu thu lại tiền để trả lại và kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc.
“Nói thật, trong lũ lụt không ai cực khổ như mấy ông cán bộ thôn. Họ lăn lộn cứu dân trong lũ xong thì đến điều phối cứu trợ. Nhà họ cũng thiệt hại, cũng tan hoang, nhưng họ có thời gian để dọn dẹp đâu. Tôi biết nhiều lãnh đạo thôn cả tuần vẫn chưa được một bữa cơm tử tế, gia đình họ cũng phải nhường nhịn cho các hộ dân trong thôn nhận hàng cứu trợ trước. Mặc dù theo quy định thì việc thu lại tiền là sai, nhưng cũng phải xem xét thực tế thấu đáo cho họ. Tôi xin cam kết, họ không hề tư túi một đồng, chỉ có thôn Vân Trung xin mỗi hộ dân 1.000 đồng để mua bóng điện chiếu sáng đường làng” - ông Ngọc nói.
Người “bị” thu lại tiền, ông Cao Minh Lởi bộc bạch: “Thấy tui già cả nên đoàn cho tui 1,5 triệu đồng. Đêm nằm nghĩ, tui quyết định đưa sang nhà trưởng thôn nộp lại để họ điều phối cho các hộ khác bị thiệt hại. Tui nghĩ, đã là lũ lụt thì ai cũng thiệt hại, thậm chí có người thiệt hại hơn mình. Mình nộp lại để thôn điều phối cho công bằng, trong đó có con, cháu, bà con làng xóm của mình cả. Ngày thường, mọi người giúp mình, thì trong hoạn nạn mình phải có nghĩa vụ san sẻ cùng nhau. Ông bà mình nói rồi, một miếng khi đói, bằng một gói khi no mà”. |
Theo Tiền Phong