Năm 2016, TP.HCM có 7 cơ sở giết mổ heo truyền thống đóng cửa trong khi vẫn chưa có nhà máy giết mổ công nghiệp nào ra đời khiến tình trạng heo giết mổ lậu gia tăng. Nhiều thương lái đã chuyển heo hơi về tỉnh giết mổ, sau đó đưa trở lại TP.HCM tiêu thụ, trong đó có cả heo bơm nước.
Khó kiểm soát
Theo quy hoạch của TP.HCM, đến cuối năm 2017, tất cả cơ sở giết mổ hiện hữu phải chấm dứt hoạt động (trừ 2 cơ sở ở huyện Cần Giờ), hoạt động giết mổ gia súc phải được thực hiện tại 6 nhà máy công nghiệp tại huyện Hóc Môn và Củ Chi. Tuy nhiên, đến đầu năm 2017, hầu hết các dự án vẫn còn là bãi đất trống, chỉ nhà máy tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn có thể đi vào hoạt động vào mùa Tết này.
Theo thống kê đến đầu tháng 12-2016, Chi cục Thú y TP đã phối hợp với các ban - ngành chức năng địa phương kiểm tra, xử lý 99 trường hợp giết mổ gia súc, gia cầm trái phép ở các quận - huyện: 12, 2, 9, Bình Tân, Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh. Đáng chú ý, qua kiểm tra giết mổ lậu, cơ quan chức năng còn phát hiện heo có chất cấm, heo mắc bệnh. Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, cho biết các đối tượng giết mổ lậu có rất nhiều chiêu để che giấu, đối phó nên lực lượng thú y phải phối hợp với các lực lượng như công an, thanh niên xung phong “mật phục” vất vả mới xử lý được.
Giết mổ thủ công khó bảo đảm chỉ tiêu vi sinh cho sản phẩm thịt |
Ông Lê Văn Mỵ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Hóc Môn (chủ quản chợ đầu mối Hóc Môn), nhận định việc TP.HCM đóng cửa nhiều lò mổ khiến thương lái phải về tỉnh mua nên chất lượng thịt heo khó kiểm soát. Lý do là một số tỉnh quản lý còn lỏng lẻo nên có thể xảy ra chuyện heo được mổ ở đâu đó rồi xin giấy hợp pháp hóa để đưa về TP.HCM tiêu thụ. Theo một khảo sát, trong 105 cơ sở tham gia giết mổ heo cung cấp cho thị trường TP.HCM thì có 19 cơ sở sẽ chuyển về tỉnh giết mổ mà không vào nhà máy tập trung.
Nguồn heo giết mổ lậu không được kiểm soát nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm, trong khi heo bơm nước là điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh phát triển.
Tại chợ đầu mối Hóc Môn, chợ sỉ thịt heo lớn nhất TP.HCM và cả nước, nơi thịt heo được kinh doanh trong điều kiện mát, trước đây được kiểm soát giết mổ tại TP.HCM thì nay có thêm nguồn từ Bến Tre, Long An. Trong đó, nguồn heo từ Long An về chợ năm 2016 tăng gấp đôi so với năm trước. Do đó, Chi cục Thú y TP tăng cường giám sát và đã phát hiện 2 trường hợp heo bơm nước đều từ tỉnh Long An.
Chợ đầu mối Bình Điền dù nhiều năm phối hợp với lực lượng thú y kiểm soát tình trạng heo bơm nước nhưng năm 2016 vẫn phát hiện đến 108 vụ, tăng 10 vụ so với năm 2015.
Giết mổ công nghiệp bị chê
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho biết theo lộ trình đóng cửa các cơ sở giết mổ heo thủ công, từ tháng 6-2016, Vissan sẽ nhận thêm 1.000 con/ngày về giết mổ. Nhưng thực tế, Vissan chỉ nhận thêm 260 con heo từ một hộ và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Ông Mười cho rằng lý do nhà máy của Vissan “bị chê” là do giết mổ công nghiệp, thương nhân đưa heo về phải tuân theo các quy định khắt khe về an toàn thực phẩm, an toàn lao động… hơn là vì giá gia công.
Theo đại diện cơ sở giết mổ Trung tâm quận Bình Tân, nơi cũng được “quy hoạch” để đón thêm 1.000 con heo/ngày sau khi các cơ sở kia đóng cửa, thực tế lượng tăng thêm chỉ 150 con/ngày dù đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải. Lý do được ông này đưa ra là vị trí của lò mổ cách chợ đầu mối Hóc Môn xa nên thương lái không chuộng.
Trong khi đó, thương lái lại đổ dồn về cơ sở giết mổ Xuyên Á (tên trước đây là An Hạ, huyện Củ Chi), nơi thịt heo chuyển về chợ đầu mối chỉ khoảng 15 phút. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, chủ cơ sở giết mổ Xuyên Á, xác nhận lượng heo về giết mổ tại đây khoảng 4.500 con/ngày, tăng 50% so với năm 2015. Cơ sở của bà đã đầu tư thêm ô chuồng, dây chuyền giết mổ, khu xử lý nước thải để đáp ứng nhu cầu tăng thêm. Với sản lượng giết mổ trên, thị phần của cơ sở Xuyên Á đang chiếm gần 60% lượng heo được giết mổ trên địa bàn TP, 12 cơ sở còn lại chỉ tham gia giết mổ hơn 40% sản lượng.
Một người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành thịt cho biết do thị hiếu tiêu dùng nên người dân vẫn thích dùng thịt heo “nóng”, miếng thịt phải dẻo. Do đó, heo mảnh ra chợ sỉ phải đang “bốc khói” thì người mua mới thích, trong khi heo mổ công nghiệp thì thịt lạnh, thích hợp đưa vào bán ở những nơi có tủ mát như siêu thị. Do đó, tâm lý của thương lái là đổ về những nơi giết mổ thủ công hợp pháp còn tồn tại cho đến khi bắt buộc tất cả phải vào nhà máy công nghiệp.
Bắt quả tang hàng loạt cơ sở bơm nước vào bò Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam vừa phát hiện hàng loạt cơ sở trên địa bàn bơm nước vào bò trước khi giết mổ bán ra thị trường. Cụ thể, từ ngày 6 đến ngày 9-1, đoàn kiểm tra của chi cục phát hiện 5 cơ sở giết mổ tại 2 huyện Duy Xuyên, Quế Sơn và thị xã Điện Bàn bơm nước vào bò trước khi xẻ thịt. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 5 cơ sở này và chuyển cho cơ quan chức năng xử phạt. Theo một cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam, bò bị bơm căng nước khiến khối lượng tăng lên bất thường. Khi xẻ thịt bán, mức lãi theo đó tăng thêm khoảng 2-3 triệu đồng/con. |
Theo NLĐ