Lãng phí xe buýt

Thứ năm, 12/01/2017, 09:15
Sản lượng giảm nhưng số lượng không giảm nên xe buýt đang đua nhau giành khách, gây mất an toàn và lãng phí ngân sách

Tình trạng các tuyến xe buýt trùng nhau trên các trục đường chính ở TP.HCM tuy tăng sự lựa chọn cho hành khách nhưng lại gây lãng phí ngân sách và mất an toàn giao thông.

Tranh khách như xe “dù”

Xa lộ Hà Nội có lẽ là con đường có nhiều tuyến xe buýt đi qua nhất, như tuyến số 8, 10, 12, 52, 150... với hàng chục điểm dừng xe buýt để đón trả khách nên tình trạng tranh khách giữa các xe buýt diễn ra khốc liệt. Một tài xế tuyến 150 cho biết nếu đi đúng luật mà các xe khác phóng nhanh, vượt ẩu để lên trước thì xe đến sau sẽ đón được ít khách, thậm chí là không có khách nào.

Do đó, tài xế nào cũng phải tranh thủ vượt lên trước khi xe khác đang dừng đón, trả khách để chiếm ưu thế khi rước khách ở trạm tiếp theo. “Mình đi chậm quá, không đủ hành khách thì thu nhập giảm nên buộc phải đua với các xe khác để giành khách” - tài xế này phân trần.

Hai tuyến xe buýt số 13 và 65 trùng nhau ở cự ly rất dài làm lãng phí ngân sách

Trên tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám kéo dài từ vòng xoay Phù Đổng đến đường Trường Chinh có 2 tuyến 13 và 65 trùng nhau nên hành khách muốn đi xe nào cũng được. Trưa 11-1, chúng tôi lên xe buýt tuyến 13 ở trạm vòng xoay Dân Chủ thì chỉ có vài hành khách. Cùng lúc đó, xe buýt tuyến số 65 vượt lên để đón khách ở trạm tiếp theo. Nhân viên bán vé trên xe cho biết tuyến số 65 (Công viên 23 Tháng 9 - Bến xe An Sương) trùng gần như toàn bộ với tuyến số 13 nhưng giá vé rẻ hơn nên nhiều người lựa chọn.

Khách trên xe tuyến số 13 (Công viên 23 Tháng 9 - Bến xe Củ Chi) vắng do xe số 65 (Bến Thành - Bến xe An Sương) đón khách trước

Một trục đường khác có nhiều tuyến xe buýt đi qua nhưng trùng nhau ở cung đường rất dài là đường Kinh Dương Vương và Quốc lộ 1. Trên trục đường này có 2 tuyến số 9 (Bến xe Chợ Lớn - Hưng Long) và 84 (Bến xe Chợ Lớn - Tân Túc) trùng nhau từ Bến xe Chợ Lớn kéo dài đến đường Nguyễn Hữu Trí rồi tách về 2 hướng là xã Hưng Long và thị trấn Tân Túc.

Đi thực tế từ trạm dừng Dương Đình Cúc về Bến xe Chợ Lớn trên 2 xe buýt của 2 tuyến này, chúng tôi ghi nhận xe nào đi trước thì xe phía sau dường như không đón được khách. “Ngồi trên xe buýt mới thấy mạng người đi xe máy bị đe dọa thường trực” - chị Thủy, một hành khách thường xuyên đi xe buýt, chia sẻ.

Sắp xếp chưa khoa học

Cũng theo chị Thủy, ngồi trên xe suốt tuyến Bến xe Chợ Lớn - Tân Túc, hình ảnh chị thường thấy là xe trống khách. “Như vậy quá lãng phí. Không biết tại sao họ không dẹp bớt các tuyến trùng lắp để đỡ tốn tiền trợ giá từ nhà nước” - chị Thủy nói.

Theo tìm hiểu, từ tháng 1-2007, Sở Giao thông Công chánh (nay là Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) đã quy định các tiêu chí khi đăng ký mở mới, điều chỉnh tuyến xe buýt hiện hữu. Trong đó, quy định hoạt động của tuyến mới không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của tuyến buýt hiện hữu, độ trùng lắp lộ trình tuyến với tuyến đang hoạt động khác nhỏ hơn 30%. Thế nhưng, qua ghi nhận của chúng tôi lại thấy có nhiều tuyến xe buýt trùng nhau ở cự ly rất dài, thậm chí trùng hoàn toàn với tuyến còn lại.

Đơn cử như tuyến số 9 (Bến xe Chợ Lớn - Hưng Long) có cự ly 25km và tuyến 84 (Bến xe Chợ Lớn - Tân Túc) có chiều dài 16km nhưng trùng nhau đến 10,3km với tỉ lệ trùng nhau 64% trên trục đường Hồng Bàng - Kinh Dương Vương - Quốc lộ 1. Cũng trên trục đường này, tuyến xe buýt số 82 (Chợ Lớn - Tân Quý Tây) trùng tuyến số 9 với tỉ lệ cao. Tuyến xe số 65 trùng với tuyến số 13 (Bến Thành - Củ Chi) tỉ lệ 85%.

Đáng chú ý, tuyến số 74 (Bến xe An Sương - Bến xe Củ Chi) trùng toàn bộ quãng đường với tuyến số 13. Thực chất, tuyến số 13 đang bị cắt thành 2 tuyến có cự ly ngắn là tuyến số 65 và tuyến số 74. Như vậy, hành khách vẫn có thể đi xe số 65 từ Bến Thành về An Sương, sau đó bắt tiếp xe số 74 để về Bến xe Củ Chi.

Các chuyên gia giao thông cho rằng việc các tuyến xe buýt trùng nhau với cự ly quá lớn gây lãng phí ngân sách cho hoạt động trợ giá xe buýt là lỗi từ quản lý điều hành. Bên cạnh đó, trùng tuyến cũng làm cho lượng xe buýt ra vào trạm liên tục dễ gây ùn tắc trên các tuyến đường đi qua. UBND TP cũng cho rằng việc trùng lắp thể hiện việc sắp xếp luồng tuyến chưa khoa học, chưa hợp lý đã làm tăng gánh nặng ngân sách khi phải trợ giá cho các tuyến trùng lắp.

Phải thay đổi

Đại diện Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng - Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (gọi tắt là Trung tâm) thừa nhận một số tuyến xe buýt trùng nhau, ở thời điểm trước thì phù hợp nhưng đến thời điểm hiện nay thì không còn phù hợp nên phải thay đổi.

Theo đó, ở trục đường Trường Chinh - Quốc lộ 22, Trung tâm đang lên kế hoạch cắt tuyến về điểm cuối là Bến xe Tân Phú thay vì Bến xe An Sương do Bến xe An Sương hiện nay đang quá tải. “Kế hoạch cắt tuyến này đơn vị đang thực hiện và sẽ trình Sở Giao thông Vận tải TP trong quý I/2017” - vị này cho biết. Riêng trục Hồng Bàng - Kinh Dương Vương - Quốc lộ 1, Trung tâm sẽ thống kê sản lượng và khảo sát thực tế rồi mới có kế hoạch điều chỉnh tuyến cho phù hợp.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn