Theo các công tố viên Mỹ, đầu năm 2013, Công ty xây dựng Keangnam của Hàn Quốc do em trai ông Ban là Ban Ki-sang làm giám đốc đối mặt với nhiều khoản nợ.
Công ty này sau đó phải rao bán một khu phức hợp tòa nhà ở Việt Nam tên gọi Landmark 72.
Trong bản cáo trạng dài 39 trang công bố tại tòa án hôm 10-1, các công tố viên cáo buộc Ban Ki-sang và con trai ông ta, Joo Hyan "Dennis" Bahn – hoạt động trong lĩnh vực bất động sản ở quận Manhattan, nhận được hàng triệu USD tiền hoa hồng liên quan tới thương vụ ước tính trị giá 800 triệu USD nói trên.
Các quan chức Mỹ tin rằng cha con ông Ban Ki-sang hối lộ một quan chức Trung Đông số tiền hàng triệu USD nhằm thuyết phục người này thu xếp thương vụ mua dự án của Keangnam thông qua vốn nhà nước. Thậm chí, hai người còn tổ chức một cuộc gặp với nguyên thủ nước Trung Đông nói trên để bàn về thỏa thuận khi ông này đến TP.New York tham dự cuộc họp thường niên của đại hội đồng LHQ.
Cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon |
Cáo trạng còn nêu rõ số tiền 500.000 USD được cha con ông Ban Ki-sang trả cho doanh nhân người Mỹ Malcolm Harris, tự xưng là đại diện của quan chức Trung Đông nói trên. Họ cam kết đưa thêm cho ông Harris 2 triệu USD nếu thương vụ thành công.
Cả ông Harris lẫn Ban Ki-sang vẫn chưa bị bắt, trong khi ông Bahn phủ nhận cáo buộc và đã tại ngoại.
Tổng chưởng lý quận Nam New York, Preet Bharara, cho biết: “Vụ hối lộ và gian lận này xúc phạm đến tất cả những ai tin vào kinh doanh trung thực và minh bạch. Đó cũng là lời nhắc nhở đến bất cứ người nào muốn đưa hối lộ tới TP.New York sẽ phải đối mặt cơ quan thực thi pháp luật Mỹ”.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời phát ngôn viên của ông Ban Ki-moon cho biết ông không biết tường tận những diễn biến xoay quanh cáo buộc người thân của mình hối lộ.
Ông Ban từng là Tổng thư ký LHQ từ năm 2007-2016, sau đó được thay thế bởi cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres vào ngày 1-1-2017.
Theo NLĐ