Vui buồn nghề trồng hoa kiểng trước Tết Đinh Dậu

Thứ tư, 11/01/2017, 11:17
Những ngày này, tại khắp các cánh đồng hoa kiểng ở TP.HCM, người dân đang tất bật với những khâu chăm sóc cuối cùng chuẩn bị tung ra thị trường Tết Nguyên đán, ai nấy đều hồ hởi xen lẫn lo lắng.

Những ngày trước Tết, trên các cánh đồng hoa người dân luôn tất bật chăm sóc những công đoạn cuối cùng

Ăn dầm nằm dề với hoa Tết

Theo ghi nhận của PV, cánh đồng hoa trên đường Lê Thị Riêng (P.Thới An, Q.12) những ngày này luôn tấp nập người lao động. Ai nấy đều miệt mài trên những luống hoa đã vào chậu với công việc tưới nước, phun thuốc, bón phân, tỉa cành… dưới trời nắng gắt.

Trong đó, vựa hoa của chị Huỳnh Bích (39 tuổi, ngụ Q.12) được xem là lớn nhất khu vực với hàng nghìn chậu hoa các loại, chủ yếu là cúc vàng nghệ và mào gà đỏ. Hàng ngày chị phải mướn hàng chục nhân công tích cực chăm sóc hoa những công đoạn cuối với số tiền phải trả lên đến hàng triệu đồng.

“Thời điểm trước Tết rất quan trọng, cây hoa nở đúng dịp, cành lá đẹp hay không là ở giai đoạn này. Chẳng hạn, hoa cúc quá nhiều nhánh sẽ được loại bỏ bớt, tạo điều kiện cho những nhánh lớn hấp thu chất dinh dưỡng nở bông to hơn. Đồng thời, dùng dây kẽm bó các cành lại với nhau để chống ngã đổ nếu gió lớn thổi qua. Những ngày này, tôi bỏ nhà ra đây ăn dầm nằm dề với hoa nhưng không biết hoa có... thương lại mình mà phát triển tốt không nữa”, chị Bích lo lắng.

Chị Bích đang dùng dây buộc các chậu hoa cúc lại chống ngã đổ để chuẩn bị tung ra thị trường hoa Tết

Theo chị Bích, nghề trồng hoa này không ai có thể đảm bảo chắn chắn thành công cả, bởi phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó ông trời là chủ yếu. Hoa trồng số lượng lớn không có lưới che phủ như trong nhà lồng. Nếu ông trời thương, cho mưa thuận gió hòa thì người dân thoải mái làm ăn, còn mưa xuống vài trận lớn như đầu tháng 9. 2016 kéo dài thì nhà vườn chắc thất thu.

Để ra một chậu hoa đẹp và nở đúng dịp không hề đơn giản, số tiền bỏ ra cũng không nhỏ. Ban đầu là mua đất phải đúng loại phù sa ở các khu vực sông. Rồi nhà vườn mua trấu, vỏ dừa xay nhỏ, phân bò về, đem trộn chung với nhau.

Nếu hoa nào ươm được thì mua hạt giống về, còn những loài như cúc phải nhập cây giống ở Đà Lạt xuống. Đầu tháng 8, bắt đầu cho đất và hoa vào chậu tưới nước hàng ngày, phân phải bón qua 4 đợt và mướn nhân công nhổ cỏ, chăm sóc cành lá, phun thuốc chống sâu bệnh thường xuyên.

Những ruộng hoa mào gà tại cánh đồng đường Lê Thị Riêng (Q.12) rất đẹp mắt
“Trong đó, hoa cúc được xem là khó trồng nhất vì cây tốt quá thì lâu ra bông, hơi cằn là cây xấu. Đồng thời, không có loại thuốc hữu hiệu nào phun vào kích thích cây nở hoa liền được. Như Tết năm ngoái, đến ngày 29 tháng Chạp nhưng cúc chỉ mới ra búp, cứ nghĩ lỗ nặng nhưng cuối cùng do hoa cao và đẹp nên bán cũng được hơn phân nửa, không lỗ vốn. Nghề trồng hoa này phải đến rạng sáng mùng 1 Tết mới biết thành công hay thất bại”, chị Bích nói.
Cách đó không xa là vườn hoa của ông Nguyễn Văn Nam, diện tích hơn 1 nghìn mét vuông đất, với các loại hoa cúc lá nhám, sao nhái, hướng dương và mào gà. Theo ông Nam, thời tiết năm nay thuận lợi, các loại hoa phát triển tốt, ra búp đúng dịp, nhưng không biết mấy ngày tới thế nào. Hoa ông trồng đến ngày cận Tết sẽ được thương lái đến lấy với số lượng từ 40 – 50%. Phần còn lại ông sẽ mướn mặt bằng đường Lê Thị Riêng (Q.12) bán từ 28 tháng Chạp đến sáng 30 Tết. Tùy từng loại, giá cũng khác nhau.
Những chậu cúc ra hoa chớm vàng được chăm sóc kỹ lưỡng
“Như Tết 2016, hoa cúc vàng gia đình tôi bán với giá từ 60.000 – 100.000 đồng/chậu, tùy thời điểm. Tính ra tôi lãi hơn 50 triệu đồng. Nghề trồng hoa phải nhờ trời mới thành công được. Thời tiết ôn hòa thì làm có lời, chứ mưa lụt xuống vài trận, trời suốt ngày âm u là coi như thua luôn. Vốn bỏ ra trồng hoa và thuê người chăm sóc có khi lên đến hàng trăm triệu đồng, nên không riêng tôi mà ai cũng lo lắng”, ông Nam chia sẻ.
Mai Tết khóc ròng
Trong khi đó, những hộ trồng mai Tết ở khu vực P.Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức) phải khóc ròng vì những mảnh vườn mai Tết rụng lá, cằn cỗi và đặc biệt không ra hoa. Có những hộ bị thiệt hại lên đến 50%, đứng trước nguy cơ lỗ nặng.
Lý giải việc này, một số người cho biết trong đợt triều cường lên đỉnh tháng 11.2016 khiến bờ bao sông Sài Gòn vỡ, nước ào ạt tràn vào, nhiều vườn mai hàng nghìn cây ngập sâu trong nước hàng tuần. Nhiều cây thối gốc, chết và những cây còn lại cũng cằn cỗi, không ra hoa. Trong khu vực, chỉ có 2 hộ có vườn cao ráo nên ít bị thiệt hại.
Ông Trương Văn Xê (42 tuổi, ngụ 59/11, đường số 9, KP.5, P.Hiệp Bình Phước) than thở: “Vườn mai khu vực này tiêu hết rồi, chỉ còn một vài hộ có vườn cao ráo vớt vát được một ít. Vừa rồi vỡ đê, nước ngập lên tới đọt mai, đọng lại cả tuần nên khi nước rút xuống, sình bám lại lá mai, nắng lên là rụng hết. Nhiều hộ phải trắng tay”.

Ông Xê bên cạnh cây mai vớt vát sau ngập do triều cường

Theo ông Xê, vườn ông cũng bị đọng nước nhưng còn vớt vát được. Cây mai đang thời kỳ phát triển tốt nhưng ngâm nước sẽ rụng lá không ra bông. Làm nghề mai này, thông thường đến 15 tháng Chạp sẽ lặt lá, căng cành tỏa đều thân. Đến 20 tháng Chạp, thương lái mới tấp nập về đây mua và chở đi bán mãi đến sáng 30 Tết. Muốn xác định có lời hay không cũng phải chờ đến sau đêm giao thừa, tiền vào túi rồi mới nói được.
“Có những cây mai ghép, dáng đẹp và nhiều hoa sẽ được những đại gia săn lùng. Họ mua cây mai và bỏ vào chậu chở đi. Khi hết Tết, họ lại chở về vườn cũ, nhờ chủ chăm sóc chờ Tết năm sau đến lấy về chơi tiếp. Thù lao chăm mỗi cây vậy cũng lên đến 5 triệu đồng/năm”, ông Xê cho biết.

Một trong những vườn mai cằn cỗi xem như thất thu trước Tết ở P.Hiệp Bình Phước

Cạnh đó là vườn mai khoảng 3 nghìn gốc của ông Trương Hoàng Vân (53 tuổi, ngụ 59/8 đường số 9, KP.5, P.Hiệp Bình Phước). Ông cho biết bản thân có kinh nghiệm trên 25 năm trồng mai nhưng chưa bao giờ thất thu như năm nay. Đợt ngập nước vừa rồi, vườn ông thiệt hại trên 50%, cây mai rụng lá không bông, một phần cằn cỗi phải để lại tiếp tục chăm sóc bán vào vụ sau.
“Đợt vừa rồi, gia đình bỏ ra hơn 10 triệu mua phân và mướn nhân công chăm sóc, khi vừa xong một ngày thì nước ngập vào xem như trôi hết, phải hơn 1 tuần sau mới vào phân lại. Trước kia cũng hay bị vỡ bờ bao nhưng nước vào là rút liền, còn hiện quanh khu vực, mấy công ty địa ốc về mua đất san lấp mặt bằng khiến khu này trũng xuống, không có đường thoát nước gây hư cây mai. Cứ mỗi đợt triều cường lên, không riêng tôi mà ai cũng lo sợ”, ông Vân cho biết.

Theo Thanh Niên Online

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích