|
Theo phong tục truyền thống của người Việt, mỗi năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong năm với Ngọc Hoàng. Vào đêm 30 Tết, Táo Quân mới trở lại trần gian, tiếp tục công việc cai quản chuyện bếp núc của các gia đình.
Từ lâu, người Việt quan niệm ba vị Táo Quân sẽ định đoạt cát hung, phúc đức cho gia đình. Bởi vậy, dù có bận rộn thế nào, vào đúng ngày 23 tháng Chạp, các gia đình sẽ đều dành thời gian để làm lễ cúng ông Công ông Táo, cầu mong những điều an lành tới cho mình và người thân.
Lễ cúng ông Công ông Táo thường được cử hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Tuỳ theo điều kiện thời gian mà có thể cúng ông vào trưa hoặc tối ngày 22 tháng Chạp, cùng lắm là cúng ngày 23 tháng Chạp. Người Việt quan niệm phải cúng trước buổi chiều ngày 23 để kịp giờ để ông Táo lên thiên đình, nếu không ông sẽ không nhận được lễ vật thành tâm của gia chủ.
Nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Hồng Thuật (Bảo tàng dân tộc Việt Nam) cũng cho biết, theo quan niệm dân gian, giờ đẹp nhất để cung tiễn Táo quân về Trời là giờ Ngọ (từ 11 – 13h), tức giờ Long Mã, giờ Ngọ hóa Rồng.
Lễ vật cúng Táo Quân gồm: Mũ ông công ba cỗ hay ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Trong những gia đình có trẻ con, người ta còn cúng thêm một con gà luộc.
Theo Dân Việt