|
Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á cho rằng, Trung Quốc đang lắp đặt hệ thống phòng không và hệ thống phòng thủ tầm gần trên đá Gạc Ma. |
Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) mới đây phối hợp Hiệp hội Luật gia châu Á - Thái Bình Dương và Hội Luật gia Đoàn kết Quốc tế Nhật Bản tổ chức hội thảo quốc tế “Giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông” tại Nhật Bản. Đông đảo luật sư, chuyên gia, học giả Mỹ, Bỉ, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Việt Nam... đều nhất trí rằng, cơ chế đàm phán đa phương là cần thiết để giải quyết tranh chấp và cần sớm có Bộ quy tắc ứng xử làm cơ sở trong việc ứng xử của các bên ở Biển Đông, giảm bớt căng thẳng tình hình trong khu vực. Các đại biểu cũng thống nhất rằng, việc quân sự hóa Biển Đông sẽ làm ảnh hưởng trầm trọng tới tiến trình đàm phán hòa bình giữa các bên, vì vậy, cần kêu gọi các bên, đặc biệt là Trung Quốc, kiềm chế hoạt động quân sự tại khu vực.
Tại phiên thứ nhất của hội thảo, các đại biểu đánh giá về tình hình Biển Đông hiện nay, đặc biệt là các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo, quân sự hóa của Trung Quốc, đồng thời đánh giá về tầm quan trọng của phán quyết Tòa Trọng tài đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc. Các đại biểu nói rằng, phán quyết đã thu hẹp đáng kể phạm vi tranh chấp và có hiệu lực pháp lý ràng buộc đối với các bên liên quan trực tiếp trong vụ kiện.
GS Yamagata Hideo, ĐH Nagoya (Nhật Bản), khẳng định, Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài, vì một khi đã gia nhập Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) có nghĩa là Trung Quốc đồng ý chấp nhận các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS, trong đó đó có Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS.
Trong hai phiên tiếp theo, các đại biểu tập trung thảo luận về cơ chế giải quyết tranh chấp theo điều VI Hiến chương Liên Hợp Quốc và các cơ chế giải quyết tranh chấp khác theo luật pháp quốc tế, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy vai trò của các tổ chức luật, giới luật gia, luật sư quốc tế góp phần giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Theo GS Yoshiro Matsui, ĐH Nagoya, các tranh chấp lãnh thổ nói chung, tranh chấp Biển Đông nói riêng đều có tính chất đa chiều với đầy đủ khía cạnh pháp lý, chính trị, kinh tế, xã hội..., do đó, việc giải quyết tranh chấp đòi hỏi các bên liên quan phải vận dụng linh hoạt các biện pháp, cơ chế giải quyết hòa bình tranh chấp đã được luật pháp quốc tế quy định, đồng thời thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của quốc gia trong quá trình giải quyết tranh chấp theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, không có hoạt động làm phức tạp tình hình, leo thang căng thẳng.
GS Erik Franckx, thành viên Tòa Trọng tài Thường trực, Trưởng khoa Luật Quốc tế ĐH Tự do Brussels (Bỉ) khẳng định, phán quyết của Tòa Trọng tài là một cơ sở quan trọng ban đầu để tiến tới đạt được sự thỏa thuận và hợp tác giữa các bên. Phán quyết đã mở ra cơ hội mới trong việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình.
|
Theo Tiền Phong