Có mặt tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) trong 2 ngày 15 và 16-1, chúng tôi ghi nhận cảnh tượng chen chúc đến ngộp thở để đón người thân của nhiều gia đình.
Ngủ gục chờ máy bay
Người chen chân đứng, kẻ ngồi vạ vật. Hầu hết họ đều ở xa nên đến sân bay khá sớm. Nhiều người đem theo đồ ăn rồi ngồi bệt xuống nền nhà ga ăn uống trong lúc chờ đợi. Lượng người quá đông khiến nhân viên an ninh sân bay phải “vã mồ hôi” để giữ gìn trật tự.
Đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết đã huy động các lực lượng an ninh sân bay tăng cường 24/24 giờ ở chốt trực để giải tỏa hành khách trong các nhà ga nếu xảy ra ùn ứ và bảo đảm an ninh trật tự. Hiện đơn vị cũng đã lập quy chế cụ thể với lực lượng CSGT, kiểm soát quân sự cùng các bên liên quan nhằm chủ động xử lý các sự cố giao thông và tình trạng ùn tắc nếu xảy ra…
Trước đó, 23 giờ ngày 13-1, tại ga đến quốc tế, hàng ngàn người tập trung chờ đón người thân từ nước ngoài về khiến khu vực này như “lò lửa”. Rất nhiều gia đình từ Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số tỉnh miền Tây thuê xe lên sân bay, ngồi thành từng nhóm, vật vờ ở hành lang nhà ga, nhiều đứa trẻ ngủ gục trên tay cha mẹ vì quá mệt mỏi.
Anh Nguyễn Trọng Tiến (ngụ huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết anh cùng con nhỏ và cha mẹ lên đón em trai đi học từ Malaysia về. “Em tôi đi học suốt 2 năm mới thu xếp được thời gian về nhà nên từ sáng, gia đình đã khăn gói đi vì cha mẹ tôi nóng lòng gặp con nên cứ hối thúc” - anh Tiến tâm sự.
Chen chúc đứng chờ ở khu vực ga đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất |
Nên hạn chế số lượng người đưa - đón
Nói về hiện tượng “1 người về, 10 người đón”, nhiều chuyên gia xã hội cho rằng đây như là thói quen cũng như nét văn hóa của nhiều gia đình mỗi khi có người thân ở xa về đoàn tụ. Vì vậy, theo TS xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, việc cấm hay hạn chế người đến sân bay đưa, đón người thân là không thể vì không phù hợp với văn hóa của người Việt Nam. Vấn đề đặt ra là các cơ quan hữu trách phải có biện pháp để đáp ứng được nhu cầu đó của người dân.
“Ở phương Tây ít khi đưa đón đông người vì đó không phải là thói quen của họ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mỗi khi ai đó đi xa hoặc chuẩn bị về, người thân dù bận gì cũng phải ra tận ngõ, đến tận nơi chào tạm biệt hoặc đón về. Hành động đó thể hiện trọn vẹn tình nghĩa” - TS Thúy nói.
Là những người được đón tại sân bay mỗi khi về nước, anh Vũ Minh Khuyên (du học sinh Singapore) tâm sự điều hạnh phúc nhất khi vừa xuống sân bay là thấy cả gia đình đứng trước chờ đón. Anh Nguyễn Thanh Duy (du học sinh Úc) thì xúc động kể: “Chúng tôi là những du học sinh, xa nhà từ khi hết phổ thông để học đại học. Mỗi lần sắp lên máy bay để sang Úc, tôi cảm thấy rất bùi ngùi, xúc động. Cảm giác quyến luyến đó khiến chúng tôi ấm lòng khi xa quê hương. Tôi biết 1 người đi, nhiều người tiễn sẽ gây quá tải và khó chịu cho một số người nhưng đó là quyền và tình cảm của mỗi người”.
Còn KTS Lâm Lê Hạ Thảo (tiểu bang Colorado - Mỹ) bày tỏ đã từng đến sân bay của 8 nước trên thế giới, nếu so sánh thì sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có quy mô nhỏ dẫn đến mỗi dịp cao điểm thường bị ùn ứ. Với tình hình như hiện nay, cơ quan hữu trách chỉ nên khuyến cáo người dân hạn chế số lượng người đến sân bay đưa đón người thân chứ không thể cấm vì đó là nhu cầu tình cảm.
Trong khi đó, chị Mú Thanh Xuân (Texas - Mỹ) nói không thể phủ nhận việc có người thân đón, tiễn sẽ làm ấm lòng những người con xa quê, giúp họ phấn chấn hơn khi về thăm gia đình và cảm thấy an ủi hơn khi rời Việt Nam. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của chúng ta chưa phát triển, nên chăng cần dần dần thay đổi quan điểm.
“Sân bay quá tải cũng gây lãng phí rất nhiều, đặc biệt là lãng phí thời gian và tiền bạc. Tôi đi nhiều nước trên thế giới thấy rằng họ không phí thời gian cho việc đón - tiễn, thay vào đó họ dành thời gian để chăm sóc người thân thật tốt khi ở bên nhau. Bản thân tôi khi về Việt Nam chỉ thông báo cho một số người thân, đồng thời dặn họ không cần phải đi đón. Tôi thấy như vậy đỡ phiền người thân khi phải sắp xếp công việc hoặc xin nghỉ phép rồi tốn kém tiền xe chỉ để đi đón mình. Chưa kể, chuyến bay đến trễ, sẽ gây phiền hà cho họ biết bao” - chị Xuân chia sẻ.
Chống ùn tắc ngoài sân bay Lãnh đạo Đội CSGT Tân Sơn Nhất (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP.HCM) cho biết thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với lực lượng kiểm soát quân sự, thanh tra giao thông, Công an quận Tân Bình xử lý các trường hợp đậu xe sai quy định nên không còn tình trạng ùn ứ kéo dài. Riêng tình trạng ôtô chen lấn, đậu trái quy định trong khu vực sân bay thỉnh thoảng có xảy ra, đơn vị chủ yếu nhắc nhở, phối hợp ghi nhận vì chưa có chế tài xử phạt cụ thể. “Trong dịp Tết nguyên đán 2017, chúng tôi sẽ tổ chức các ca trực liên tục để điều tiết giao thông, tránh xung đột giữa các phương tiện ra vào sân bay” - vị này cho biết. |
Theo NLĐ