Dân Sài Gòn chia sẻ kinh nghiệm đối phó kẹt xe

Thứ ba, 17/01/2017, 12:13
Len lỏi váo các con hẻm, đường nội bộ, đi trễ, về muộn, không ra đường vào khung giờ cao điểm... là những cách mà người dân TP.HCM đang dùng để đối phó với nạn kẹt xe đang bùng phát tại đây.

Dòng xe chen chúc nhau tại chân cầu vượt Lăng Cha Cả

Trước nạn kẹt xe bùng phát, trong khi chờ đợi những giải pháp, công trình lâu dài, nhiều người ở TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm đối phó với nạn kẹt xe này.

Chị Võ Thị Dung (nhà ở đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp):

Tìm thêm nhiều hướng đi

Thường ngày tôi đi từ đường Lê Đức Thọ, đưa con đi học ở đường Cây Trâm, sau đó ra đường Lê Văn Thọ, Quang Trung, Nguyễn Kiệm... để đến chỗ làm ở ngã tư Phú Nhuận.

Tại các tuyến đường này, vào các giờ cao điểm thường xảy ra kẹt xe như khu vực chợ Hạnh Thông Tây giao với đường Lê Văn Thọ và Quang Trung, khu vực ngã sáu Gò Vấp...

Sau nhiều lần bị kẹt xe đến muốn xỉu, ngoài đường chính, tôi tìm hiểu thêm các tuyến đường nội bộ, hẻm vòng, hẻm tắt... để đi.

Ở Q.Gò Vấp, có đường số 1, số 3, số 4 và một số tuyến hẻm liên thông với nhau có thể kết nối từ đường Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ ra Phan Văn Trị, Thống Nhất để ra đường Quang Trung và ngược lại. Tôi đã đi qua những đường này để phần nào tránh được kẹt xe.

Ngoài ra, trong lúc kẹt xe rất cần cảnh sát giao thông (CSGT) để điều tiết. Tôi thấy ở ngã tư, ngã năm, khi xảy ra kẹt xe thì một, hai CSGT không giải quyết được vấn đề.

Ví dụ như tại vòng xoay Phạm Văn Đồng, nơi vòng xoay rất rộng và có đến 6 tuyến đường gặp nhau, khi CSGT ra hiệu cho dòng xe từ đường Nguyễn Kiệm (hướng từ Q.Gò Vấp ra công viên Gia Định) chạy thì trước đó phải có CSGT chặn dòng xe từ đường Phạm Văn Đồng xuống Hoàng Minh Giám.

Nếu không đủ lực lượng CSGT điều tiết thì hai dòng xe nói trên sẽ gặp nhau dồn một cục ngay vòng xoay...

Anh Hồ Hữu Huy (Q.Tân Phú):

Đi sớm, về trễ

Tôi là dân văn phòng lại không bận bịu chuyện đưa đón con đi học nên để đối phó với nạn kẹt xe, sáng tôi đi sớm hơn 15-20 phút, chiều về trễ hơn 30-40 phút. Khi nào không quá cần thiết, tôi cũng hạn chế ra đường vào thời gian 
cao điểm.

Nhiều lúc kẹt xe và thậm chí tai nạn xảy ra do người đi xe máy băng ngang đường một chiều không đúng cách. Đường một chiều thường có lưu lượng xe rất đông, một xe máy chạy cắt ngang sẽ khiến dòng xe phải khựng lại dồn ứ.

Người trước dừng đột ngột, người sau xử lý không kịp lại xảy ra va quẹt dẫn đến kẹt xe. Vì vậy ở những tuyến đường này, người đi xe muốn sang đường phải chú ý bật đèn xinhan và chạy xuôi theo dòng xe, chứ không nên đột ngột chạy cắt ngang.

Anh Nguyễn Hoàng Dũng 
(ở đường Ung Văn Khiêm, P.25, 
Q.Bình Thạnh):

Phạt nghiêm trường hợp vi phạm

Vào giờ cao điểm sáng chiều, tại những tuyến đường xảy ra kẹt xe, nhiều người liền chạy xe lấn làn hoặc leo lên vỉa hè để đi nhanh hơn. Tôi đề nghị CSGT nên phạt nghiêm các trường hợp vi phạm này để giáo dục ý thức người 
đi đường.

Riêng tôi, để công việc và sinh hoạt không bị ảnh hưởng vì kẹt xe, tôi thường sắp xếp những cuộc hẹn quan trọng vào các khung giờ ít kẹt xe trong ngày như 9h-10h sáng, 2h-3h chiều hoặc 8h-9h tối.

Ngay cả việc mua vé xe về quê Bình Định đón Tết, tôi cũng chọn chuyến xe xuất bến sớm nhất trong ngày là 5h30 sáng để không bị kẹt xe.

Theo TTO

Các tin cũ hơn