|
Trung Quốc phản ứng với việc Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt đơn phương lên Iran, đặc biệt khi lệnh này làm ảnh hưởng tới các công ty Trung Quốc - Ảnh: Reuters |
Lệnh trừng phạt mới nhất của chính quyền của Tổng thống Donald Trump đưa ra ngày 3-2 nhằm vào Iran xuất phát từ việc Tehran thực hiện vụ thử tên lửa gần đây.
Theo đó, lệnh trừng phạt này áp dụng lên 25 cá nhân và tổ chức tại Iran, nhưng lại dính tới 2 công ty và 3 người Trung Quốc. Reuters cho biết Bộ Tài chính Mỹ chỉ xác định cụ thể một người trong số đó là công dân Trung Quốc tên Qin Xianhua.
Trong tuyên bố ngày 6-2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định Bắc Kinh đã gửi kháng nghị đến Washington.
Ông Lục Khảng nói thêm các lệnh trừng phạt như vậy, đặc biệt khi làm phương hại lợi ích của bên thứ ba, là “không có ích” trong việc thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau.
“Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt đơn phương nào kiểu vậy”, ông Lục Khảng cho biết trong buổi họp báo hằng ngày.
Theo kế hoạch trừng phạt của Mỹ, những cá nhân - tổ chức thuộc danh sách “đen” sẽ không được phép truy cập vào hệ thống tài chính hoặc ký hợp đồng với các công ty Mỹ.
Ngoài ra, các công ty hoặc cá nhân nước ngoài bị cấm đàm phán làm ăn với Iran, nếu vi phạm sẽ bị Mỹ đưa vào danh sách “đen”.
Giám đốc của hai công ty Trung Quốc bị liên đới nêu trên cho biết ngày 5-2 rằng họ chỉ xuất khẩu hàng hóa “bình thường” đến Iran và nói mình không làm gì sai phạm.
Trong số công ty Trung Quốc dính hệ lụy từ lệnh trừng phạt này có Cosailing Business Trading (Thanh Đảo, Trung Quốc).
Giám đốc công ty Yue Yaodong nói với South China Morning Post rằng bên ông đã buộc phải đóng cửa, còn tài khoản của ông này ở Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc cũng bị khóa.
Theo ông Yue, công ty ông chỉ cung cấp bảng báo giá cho khách hàng Iran về “những vật dụng hằng ngày” cũng như linh kiện máy móc thông qua email từ 3 năm trước. Ông Yue nói có gửi mẫu thử tới đối tác tại Iran, nhưng không ký bất kỳ hợp đồng nào.
Trước đây, Trung Quốc từng phản ứng với những lệnh trừng phạt Mỹ áp lên công ty Trung Quốc, cũng như những trường hợp trừng phạt tương tự liên quan tới Iran hoặc Triều Tiên xung quanh vấn đề hạt nhân. |
Theo TTO