Những tranh cãi dai dẳng về chiến dịch Không vận Trẻ em

Thứ tư, 15/02/2017, 08:17
Chiến dịch Không vận Trẻ em năm 1975 của chính phủ Mỹ gây ra nhiều tranh cãi khi những đứa trẻ lớn lên với nhiều kỳ thị và tổn thương về mặt tâm lý, đau đáu câu hỏi về nguồn cội.
Tôi như chết đi khi thất lạc con trong chiến dịch Babylift' Suốt 42 năm, Lê Thị Anh (Quy Nhơn) luôn dằn vặt bản thân sau khi con trai vô tình bị máy bay Mỹ đưa rời khỏi Việt Nam trong chiến dịch Không vận Trẻ em (Babylift) năm 1975.

Không vận Trẻ em (Babylift) là chiến dịch di tản hàng nghìn trẻ em từ Sài Gòn tới Mỹ và một số nước châu Âu, thực hiện trong năm 1975 khoảng thời gian từ ngày 2 đến 26/4.

Theo thống kê, khoảng 3.300 trẻ sơ sinh và trẻ em đã được di tản và nhận nuôi bởi nhiều gia đình trên khắp thế giới. Những trẻ em này lớn lên trong cảm giác khác biệt với cộng đồng xung quanh. Họ đa phần gặp khó khăn trong hành trình tìm lại cha mẹ ruột. Điều này khiến Babylift trở thành một trong những chiến dịch gây tranh cãi nhất trong cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam.

Cơ hội mới?

Nhiều ý kiến bảo vệ Babylift như một cách cuối cùng để bảo vệ tính mạng và sự an toàn của trẻ em mồ côi trong bối cảnh chiến tranh leo thang dữ dội ở giai đoạn cuối.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam khi đó, Gramham Martin, khẳng định cuộc di tản "sẽ giúp đảo ngược ý kiến của công luận Mỹ về lợi thế của chính quyền miền Nam Việt Nam".

Xơ Susan Carol McDonald, một y tá tình nguyện đến Sài Gòn vào năm 1973 để chăm sóc trẻ mồ côi vì chiến tranh, là người đã tham gia trực tiếp vào chiến dịch này.

Khi chiến sự ở Việt Nam ngày càng khốc liệt trong những năm 1970, ngày càng nhiều thị trấn, làng mạc bị tàn phá vì bom đạn Mỹ, xơ McDonald cho biết số lượng trẻ em bị bỏ lại hoặc gửi vào cô nhi viện tăng đến hàng nghìn em. Do nguồn thực phẩm ngày càng hạn chế và giá cả leo thang, các y tá chỉ có thể pha nước cơm loãng cho trẻ uống.

Những trẻ em được di tản bằng máy bay trong chiến dịch Babylift. Ảnh: Getty.

Vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, xơ McDonald quyết định tham gia chiến dịch sơ tán trẻ em vì lo ngại cuộc sống của chúng trong bối cảnh loạn lạc của chiến tranh. "Khi đó tôi nghĩ cái chết là tương lai gần như chắc chắn với các cháu. Tôi chỉ muốn chúng phải sống tiếp để có thể tự quyết định tương lai của mình".

Tuy nhiên, xơ McDonald khẳng định việc gửi trẻ em Việt Nam đến các gia đình nuôi ở nước ngoài không phải giải pháp tốt nhất. "Điều tốt nhất là các em được sống ở Việt Nam. Mọi đứa trẻ có quyền trưởng thành tại quê hương nó sinh ra".

Theo nghiên cứu của các bác sĩ nhi khoa, những trẻ em được nhận nuôi ổn định sức khỏe và cảm thấy an toàn trong gia đình mới sau 2-3 năm. Tại bang New South Wales, Australia, phần lớn trẻ có thể hòa nhập với gia đình và cuộc sống tại đất nước mới sau một thời gian ngắn.

Jessica McNally, người từng được di tản trong chiến dịch này khẳng định cô cảm thấy “biết ơn những người tham gia Babylift vì họ đã cho tôi một cuộc đời mới”.

Chiến dịch phi nhân đạo?

Chính phủ Mỹ khẳng định Babylift là cách tốt nhất để đưa trẻ em ra khỏi Sài Gòn, khu vực đang chìm khói lửa chiến tranh tại thời điểm năm 1975. Tuy nhiên, không phải tất cả các em đều là trẻ mồ côi. Việc đưa những trẻ em này ra nước ngoài và cắt đứt mọi liên lạc với gia đình chúng tại Việt Nam khiến nhiều người đặt câu hỏi về mục đích, thủ tục và tính pháp lý của chiến dịch.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố dùng 2 triệu USD để đưa hàng nghìn trẻ em Việt Nam ra khỏi Sài Gòn, hàng nghìn người đã tham gia biểu tình tại Washington và Stockholm (Thụy Điển). Đa phần cho rằng đây là “một vụ cướp trẻ sơ sinh”.

Babylift luôn là một trong những đề tài tranh cãi nhất về cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Ảnh: AP.

Quốc hội Mỹ từng mở cuộc điều tra về việc “không có kế hoạch phối hợp giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức tư nhân” khiến nhiều trẻ em phải xa rời gia đình và không có giấy tờ tùy thân để xác định gốc gác. Nhiều ý kiến khẳng định chiến dịch này không mang tính nhân đạo vì nó tách những em bé ra khỏi cha mẹ, quê hương và nền văn hóa của chính mình.

Khoảng 2.000 vụ kiện riêng lẻ đã diễn ra nhằm xác định quyền pháp lý và cha mẹ của những đứa trẻ bị di tản. Tuy nhiên, tranh cãi xoay quanh vấn đề này vẫn không ngừng gây thách thức cho tòa án Mỹ.

Luật sư Tom Miller, người tham gia các vụ kiện, gọi chiến dịch là "một trong những nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của Mỹ nhằm đạt được sự cảm thông từ dư luận về cuộc chiến".

Trong gần một tháng chiến dịch diễn ra, một số vụ tai nạn và sự cố khiến không ít trẻ em thiệt mạng. Tai tiếng nhất trong số đó là vụ tai nạn máy bay CA vào ngày 4/4/1975 tại phi trường Tân Sơn Nhất khiến khoảng 200 trẻ em thiệt mạng.

Những trẻ em “may mắn” sống sót và được nhận nuôi trải qua nhiều khó khăn trong quá trình trưởng thành. Lớn lên cùng sự kỳ thị của mọi người xung quanh do sự khác biệt về ngoại hình, họ luôn khao khát tìm lại quê hương và cha mẹ ruột.

"Tôi cảm thấy sự khác biệt vì mái tóc đen và nước da ngăm. Các bạn bắt nạt và xúc phạm tôi. Tôi từng ước mình có làn da trắng và mái tóc vàng hoặc nâu như các bạn, để được hòa đồng và chấp nhận như những cô gái khác", Tanya Mai, một người từng được di tản trong chiến dịch Babylift chia sẻ.

Nhiều người cũng chia sẻ họ luôn băn khoăn về quá khứ của bản thân trong suốt nhiều năm qua. “Mẹ tôi là ai? Tại sao bà ấy lại rời bỏ tôi?”, đó chính là câu hỏi thường trực trong tâm trí những đứa trẻ Babylift.

Theo Zing

Các tin cũ hơn