Cố vấn an ninh Mỹ từ chức, ngờ vực vẫn bủa vây

Thứ tư, 15/02/2017, 09:39
Việc ông Michael Flynn từ chức cố vấn an ninh quốc gia có thể là giải pháp chữa cơn đau đầu chính trị tức thời cho Nhà Trắng, nhưng được cho là không đủ để xóa tan những nghi ngờ về mối quan hệ của ông này với Nga đang bao trùm chính quyền non trẻ của Tổng thống Donald Trump.

Ứng viên tổng thống Donald Trump nói đùa với tướng về hưu Michael Flynn (phải) hồi tháng 10/2016.

Ông Flynn từ chức cuối ngày 13/2 sau khi thừa nhận đã nói dối Phó Tổng thống Mike Pence và các quan chức Mỹ khác về cuộc trò chuyện của ông với Đại sứ Nga tại Mỹ về biện pháp trừng phạt của Washington đối với Mátxcơva trước khi ông Trump nhậm chức. Việc làm đó nếu đúng như vậy sẽ bị coi là phạm luật. Ông Flynn từ chức sau 24 ngày nắm vị trí cố vấn an ninh quốc gia. Không ai trong lịch sử 64 năm của vị trí này nắm quyền trong thời gian ngắn như vậy.

Theo các nhà phân tích, việc cựu tướng Flynn từ chức khi chính quyền của Tổng thống Trump mới bắt đầu được 4 tuần bị cho là một nỗi xấu hổ đối với ông Trump và là cú đánh vào Nhà Trắng sau khi xảy ra nhiều vấn đề chính trị nội bộ. Là người không có kinh nghiệm về chính sách, ông Trump lại mất đi cố vấn quan trọng nhất, làm nhiệm vụ bảo vệ Mỹ khỏi những mối đe dọa từ bên ngoài.

Ông Flynn ra đi gây chú ý khắp thế giới, làm dấy lên nhiều câu hỏi về sự sẵn sàng của chính quyền trong việc đối mặt bất kỳ cuộc khủng hoảng an ninh bất ngờ nào. Và vì Tổng thống Trump thường tự hào rằng, ông sẽ đưa vào chính phủ đội ngũ quản lý tầm cỡ nhất, việc ông Flynn từ chức cũng khiến người ta nghi ngờ về sự thẩm định nhân sự của Tổng thống.

Bộ Tư pháp Mỹ tháng trước cảnh báo Nhà Trắng rằng, ông Flynn đã không trung thực về những cuộc gọi với Đại sứ Nga và có thể bị Nga tống tiền. CNN  dẫn các nguồn tin nói thông tin này làm dấy lên nghi ngờ rằng các quan chức trong Nhà Trắng đã làm gì với cảnh báo của Bộ Tư pháp và liệu Tổng thống Trump có nhận được cảnh báo đó hay không.

Một vấn đề khác cũng chưa được làm sáng tỏ là liệu Tổng thống Trump có nắm được việc ông Flynn đã bàn với Đại sứ Nga tại Mỹ về những biện pháp mà chính quyền Barack Obama đã triển khai để trừng phạt Mátxcơva sau khi Mỹ cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm ngoái.

Những câu hỏi chưa được giải đáp làm tăng thêm lo ngại trong Quốc hội Mỹ về quan hệ của chính quyền Mỹ với Nga và cách xử lý vụ việc của ông Flynn. Trước khi ông Flynn từ chức, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio nói với phóng viên CNNrằng, việc ông Flynn liên lạc với Đại sứ quán Nga đáng phải chịu một cuộc điều tra của Ủy ban Tình báo Thượng viện. Ông Adam Schiff, thành viên đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, nói rằng, việc ông Flynn từ chức là không thể tránh khỏi, nhưng vấn đề tranh cãi này vẫn chưa thể xong.

Nhân vụ này, việc ông Flynn được bổ nhiệm vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia lại bị báo chí Mỹ khơi lại. Ông Flynn bị loại khỏi vị trí đứng đầu Cơ quan Tình báo quốc phòng dưới thời chính quyền Obama với cáo buộc quản lý yếu kém. Tuy nhiên, những người bảo thủ cho rằng, lý do thực sự là vì ông Flynn xung đột với chính quyền trước về vấn đề phòng chống khủng bố. Ông này nổi lên như một người trung thành và ủng hộ mạnh mẽ ông Trump, đặc biệt trong vấn đề khủng bố.

Tạo thêm bất định

Tổng thống Trump nay phải nhanh chóng tìm một cố vấn an ninh quốc gia mới, vừa để bảo đảm guồng quay của chính quyền vừa để gửi tín hiệu ra bên ngoài về sự tiếp nối chính sách đối ngoại đối với các đồng minh và kẻ thù của nước Mỹ. Ông Trump hôm 13/2 bổ nhiệm tướng Keith Kellogg, người đang giữ chức vụ Chánh văn phòng Hội đồng An ninh quốc gia, làm cố vấn an ninh quốc gia tạm quyền. Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cho biết ông Kellogg, tướng nghỉ hưu David Petraeus và cựu Phó đô đốc Bob Harward sẽ được cân nhắc thay thế ông Flynn. Tuy nhiên, ông Petraeus có thể gây khó xử cho Tổng thống Trump vì dù là người có uy tín, ứng viên này từng dính phốt xử lý thông tin mật và vẫn đang bị giám sát. Dù không cần được Thượng viện chấp thuận, việc bổ nhiệm ông Petraeus có thể gây phản ứng vì ông Trump trong quá trình tranh cử đã tấn công mạnh mẽ việc đối thủ Hillary Clinton sử dụng email cá nhân cho công việc.

Việc ông Flynn rời khỏi chính quyền cũng tạo thêm bất định về hướng đi của Mỹ trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là với Nga. Cựu tướng này được coi là người ủng hộ kế hoạch của ông Trump trong việc hàn gắn quan hệ với Mátxcơva. Nhưng việc Tổng thống Mỹ cách đây vài hôm đảo ngược quan điểm của ông về chính sách “Một Trung Quốc” khiến nhiều người cho rằng, khả năng ông đảo ngược quan điểm với Nga sau khi có cố vấn an ninh quốc gia mới là điều có thể xảy ra.

Các nghị sĩ hàng đầu của Nga hôm qua lên tiếng bảo vệ ông Michael Flynn sau khi ông từ chức với cáo buộc liên quan đến Nga. Ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, viết trên Facebook: “Việc ép một cố vấn an ninh quốc gia phải từ chức vì liên lạc với đại sứ Nga (hoạt động ngoại giao bình thường) không chỉ là sự kiêu ngạo thái quá mà còn là thứ gì đó tồi tệ không thể đo đếm được”, và đó là do “ông Trump không thể đạt được sự độc lập như mong muốn và đang bị dồn vào góc, hoặc nỗi ám ảnh về Nga đã ảnh hưởng đến cả chính quyền mới, từ trên xuống dưới”.

Một vấn đề khác liên quan bảo đảm an ninh quốc gia mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bị chỉ trích là một bức ảnh chụp ông Trump cùng các trợ lý hàng đầu xử lý thông tin về việc Triều Tiên phóng tên lửa cuối tuần qua. Ảnh chụp ngay ở nơi Tổng thống Mỹ dùng bữa tối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump tại bang Florida. Một hoạt động quan trọng như vậy của tổng thống thường phải diễn ra ở những nơi được bảo đảm an ninh cao chứ không phải một nơi có nhiều người ngoài như Mar-a-Lago. Bức ảnh được chụp và đưa lên Facebook bởi một người khác đang dùng bữa tối cách bàn ăn của tổng thống không xa.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích