Ông Trump xử lý khủng hoảng ngay trên bàn tiệc

Thứ ba, 14/02/2017, 14:36
Trước sự ngỡ ngàng của quan khách, Tổng thống Mỹ Donald Trump bận rộn với công việc đối phó khủng hoảng sau khi Triều Tiên phóng tên lửa vào đêm 11/2 theo giờ Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump xử lý vấn đề Triều Tiên ngay nơi bàn tiệc. (Ảnh: Twitter)

Sáng 12/2 theo giờ địa phương, tức đêm 11/2 theo giờ Mỹ, Triều Tiên đã phóng đi một tên lửa tầm trung giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump đang mở tiệc chiêu đãi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và phu nhân tại khu nghỉ dưỡng của gia đình ở Mar-a-Lago. Vụ phóng tên lửa này của Triều Tiên có thể coi là sự kiện khẩn cấp đầu tiên liên quan đến an ninh quốc gia Mỹ kể từ khi ông Trump nhậm chức hồi cuối tháng trước.

Ngay lập tức, các quan khách tại bữa tiệc đã được tận mắt chứng kiến cách ông Trump bận rộn đối phó với vấn đề cấp bách.

Vẫn ngồi cùng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở bàn tiệc, Tổng thống Trump bận rộn gọi điện cho các cố vấn để thảo luận về tình hình và chiến thuật đối phó. Quan khách tại đây được cho là vẫn tiếp tục bữa tiệc khi họ chứng kiến Tổng thống đối phó với vấn đề an ninh cấp bách. Nhiều người thậm chí đã chụp ảnh ghi lại khoảnh khắc này và chia sẻ trên các mạng xã hội.

Ảnh chụp Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật tại bàn tiệc cùng hai phu nhân và quan khách tại bàn tiệc thời điểm có tin tức Triều Tiên phóng thử tên lửa. (Ảnh: Facebook)

Hai cố vấn thân cận của Tổng thống Trump là Michael Flynn và Steve Bannon được nhìn thấy vội vã di chuyển lại gần Tổng thống hơn khi họ cùng trao đổi về việc Triều Tiên vừa phóng tên lửa. Independent  dẫn nguồn thạo tin cho biết, thời điểm đó, do ánh sáng tại bữa tiệc chỉ mờ mờ nên đội ngũ trợ lý của Tổng thống thậm chí phải dùng đến đèn flash của điện thoại để soi khi đọc văn bản tối mật về Triều Tiên. Giới phê bình đã chỉ trích phản ứng của ông Trump, cho rằng hành động này có thể đe dọa đến mạng lưới tình báo, trinh sát của Mỹ.

Chelsea Clinton, con gái cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, đã chỉ trích hành động này của ông Trump với bình luận trên Twitter rằng: “Liệu có bao nhiêu người ở Mar-a-Lago sẽ hoặc đã là người của các cơ quan tình báo hay tổ chức truyền thông nước ngoài?”.

Các lều an ninh luôn đi cùng tổng thống Mỹ trong các trường hợp khẩn cấp để tổng thống có thể sử dụng làm nơi điện đàm, tránh nguy cơ bị nghe lén. Tuy nhiên, không rõ lý do tại sao ông Trump không sử dụng thiết bị trên trong tình huống này. Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer khẳng định, Tổng thống Trump có sử dụng thiết bị này nhưng là trước thời điểm diễn ra bữa tiệc và những thảo luận quan trọng sau đó cũng được diễn ra ở địa điểm được bảo mật cao. Nhà Trắng cũng bác bỏ thông tin cho rằng, Tổng thống Trump đã đọc tài liệu mật ngay tại bàn tiệc.

Về phần mình, trong một tuyên bố đưa ra tại cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Trump đã lên tiếng chỉ trích vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên, đồng thời khẳng định lại cam kết an ninh giữa Mỹ và Nhật Bản.

Sáng 12/2 theo giờ địa phương, Triều Tiên đã phóng đi một tên lửa mà sau đó họ tuyên bố là tên lửa Pukguksong-2, một loại tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Theo hãng thông tấn KCNA, tên lửa được phóng đi ở tọa độ được coi là an toàn đối với các nước láng giềng.

Quân đội Hàn Quốc trước đó cho biết, tên lửa này đã bay cao khoảng 550km và bay được chặng đường dài khoảng 500km trước khi rơi xuống biển phía đông bán đảo Triều Tiên. Còn theo Bộ Quốc phòng Mỹ, tên lửa, vốn rơi xuống biển Nhật Bản, là một tên lửa tầm trung, chứ không phải một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Bình Nhưỡng đã tuyên bố là có thể thử nghiệm bất kỳ lúc nào. Trong khi đó, trang tin Yonhap dẫn nguồn thạo tin nói rằng, tên lửa này có khả năng xuyên thủng mọi lá chắn.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích