Nhằm dẹp nạn chiếm dụng lề đường, vỉa hè để kinh doanh hoặc lao xe máy lên vỉa hè, tùy đặc điểm của từng địa phương, một số quận trong TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp. Tuy nhiên, ghi nhận trên thực tế, đó cũng mới là giải pháp tạm thời, chưa thể giải quyết vấn đề gốc.
Lắp barie trên vỉa hè
Từ ngày 16-1, UBND quận 1, TP.HCM tổ chức nhiều đợt ra quân nhằm “giành” lại vỉa hè cho người đi bộ với sự quyết tâm cao. Đích thân phó chủ tịch quận mỗi tuần 2 lần đi kiểm tra cùng với lực lượng nòng cốt là Đội Quản lý trật tự đô thị quận và các phường tuần tra thường xuyên, nhiều tuyến đường đã bắt đầu có sự thay đổi.
Đơn cử, đường Trần Quang Khải, phường Tân Định sau đợt ra quân chiều 13-2, những người chiếm dụng vỉa hè đã “biết sợ” lực lượng chức năng, các hộ gia đình đã để xe máy ngăn nắp hơn, những căn nhà đang sửa chữa cũng đã để vật liệu xây dựng bên trong nhà, người đi bộ thoải mái hơn do không còn len lỏi giữa các vật cản. Một số tuyến đường khác như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế… cũng đã ngăn nắp hơn, lối đi bộ dành cho người dân và du khách đã rộng hơn. Tuy nhiên, một số người bán hàng vẫn kê bàn ghế, tủ bên trong vạch vôi trắng mà chính quyền địa phương đã kẻ.
Vài năm trước, để ngăn xe máy, một số công viên Tao Đàn, 30-4, 23-9… được lắp barie. Mới đây, để đối phó với việc có nhiều người chạy xe máy trên vỉa hè, lề đường, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đã lắp đặt barie thấp trên vỉa hè một số tuyến đường Pasteur, Lý Tự Trọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm… Ba thanh inox được gắn so le suốt chiều rộng vỉa hè, ngăn không cho xe máy vượt qua nhưng người đi bộ vẫn có thể lách hoặc bước qua bình thường. Độ hở giữa các thanh đủ để người khuyết tật lăn xe qua.
Dù đã lắp vật cản, qua ghi nhận, nhiều người đi xe máy thiếu ý thức vẫn không “nản lòng” tìm mọi cách để “vượt chướng ngại vật”. Một thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên đường Lý Tự Trọng, đoạn gần Bảo tàng TP.HCM, cho biết đã có người bị ngã khi cố “phi” thẳng lên vật cản. “Tôi đã giải thích, nhắc nhở nhiều người nhưng dường như lời nói của mình không có ý nghĩa với họ. Nghĩ lại thấy buồn cho ý thức giao thông của nhiều người” - anh này nói.
Một thanh niên đi xe máy lách qua chướng ngại vật trên đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM |
Tuyên truyền, vận động
Bà Hứa Thị Hồng Đang, Chủ tịch UBND quận Tân Phú, thừa nhận có những lúc một số phường chưa thật sự quyết liệt trong việc lập lại trật tự lòng lề đường. Vì vậy, bà đã “vi hành” ghi nhận và nhắc nhở. “Mình vừa chỉ đạo vừa phải giám sát. Hiện quận Tân Phú đã có 5 đường kiểu mẫu không có tình trạng lấn chiếm lòng lề đường. Dù vậy, phải thừa nhận nạn lấn chiếm, lao xe máy lên lòng lề đường, vỉa hè là vấn đề nan giải” - bà Đang chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch quận Bình Tân, đánh giá địa bàn này tập trung đông đúc dân cư và có đến 3 KCN và hơn 90.000 công nhân. Trong năm 2016, quận Bình Tân đã thực hiện tốt một số tuyến đường trọng tâm như: Kinh Dương Vương, Vành đai trong, Tỉnh lộ 10, Tên Lửa…
“Dân khắp các tỉnh liên tục đổ về nên việc chấm dứt tình trạng lấn chiếm lòng lề đường phải dựa trên công tác tuyên truyền và vận động là chính. Quận cũng lập chốt văn phòng tại điểm nóng xảy ra chợ tự phát, yêu cầu người vi phạm viết bản cam kết, thường xuyên nhắn tin đề nghị người dân hợp tác nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị” - ông Bình cho biết.
Cũng theo ông Bình, quận chủ trương dẹp kinh doanh lấn chiếm lề đường, vỉa hè nhưng không “bịt” đường mưu sinh. Quận đã rà soát các khu đất trống để xã hội hóa thành lập một khu chợ hoạt động quy củ hơn. Điển hình, đã dẹp được điểm lấn chiếm lòng lề đường tại nhà thờ Phao Lô và thành lập chợ Tám Đoàn.
Ông Nguyễn Kiên Giang, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận Bình Tân, cho biết thêm: “Chúng tôi hạn chế tối đa việc truy đuổi, xử phạt vì sẽ gây xung đột. Vừa phối hợp cựu chiến binh để họ ra khuyên nhủ, gắn loa phát tuyên truyền tự động. Phần thì kêu gọi họ về các chợ mới để hoạt động”.
Theo NLĐ