Ông Trump đã biết trước vụ cấp dưới “đi đêm” với Nga

Thứ tư, 15/02/2017, 10:51
Tổng thống Donald Trump đã biết trước việc Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn che giấu Nhà Trắng về mối liên hệ của ông này với phía Nga, song nhà lãnh đạo Mỹ không ép ông phải rời khỏi bộ máy chính quyền ngay lập tức.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên phải ngoài cùng), và cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn (giữa). (Ảnh: AFP)

Reuters dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer ngày 14/2 cho biết Tổng thống Trump đã được thông báo từ cuối tháng 1 rằng Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn đã không nói với Phó Tổng thống Mike Pence toàn bộ sự thật về những cuộc điện đàm giữa ông với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak trước khi ông Trump nhận nhiệm sở.

Theo ông Spicer, Bộ Tư pháp đã tìm cách thông báo cho nhóm cố vấn Nhà Trắng vào ngày 26/1 về sự thiếu nhất quán trong những phát ngôn của tướng về hưu Michael Flynn về mối liên hệ với đại sứ Nga. “Nhóm cố vấn Nhà Trắng đã thông báo cho tổng thống ngay lập tức. Tổng thống đã yêu cầu họ xem xét về việc liệu có vấn đề pháp lý nào ở đây hay không”, ông Spicer chia sẻ với các phóng viên.

Phát ngôn viên Nhà Trắng nhấn mạnh rằng chính quyền của Tổng thống Trump không tin có bất kỳ vấn đề pháp lý nào trong các cuộc trao đổi bị tình nghi nói trên. Thay vào đó, điều đang được cân nhắc hơn cả là lòng tin của Tổng thống Trump vào chính cố vấn của mình.

Mark Lotter, người phát ngôn của Phó Tổng thống Mỹ cho biết ông Pence chỉ nhận ra rằng thông tin mà ông nhận được từ cố vấn Flynn là “chưa đầy đủ” sau khi báo chí đưa tin vào cuối tuần trước. Theo ông Spicer, Cố vấn Flynn ngày 14/2 đã quyết định từ chức theo yêu cầu của Tổng thống Trump. Ông chủ Nhà Trắng được cho là sẽ bổ nhiệm một cố vấn an ninh quốc gia mới vào cuối tuần này.

Các nghị sĩ Mỹ, bao gồm cả lãnh đạo của đảng Cộng hòa, đã kêu gọi điều tra kỹ lưỡng hơn không chỉ về hành vi của ông Flynn mà còn mối quan hệ trên quy mô rộng hơn giữa Nhà Trắng và Nga.

Theo lời một quan chức Mỹ, Bộ Tư pháp từ cuối tháng 1 đã cảnh báo Nhà Trắng rằng ông Flynn đã che giấu Phó Tổng thống Pence khi một mực phủ nhận thông tin ông từng thảo luận với Đại sứ Sergei Kislyak về khả năng dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga - một hành vi được cho là có khả năng phạm pháp.

Tuy nhiên, trong một bài viết được đăng trên Washington Post tuần trước, chính ông Flynn, thông qua người phát ngôn của mình, lại tuyên bố lần đầu tiên rằng ông không thể dám chắc 100% rằng ông chưa từng thảo luận về lệnh trừng phạt Nga với Đại sứ Kislyak. Điều này, theo ông Spicer, là điểm mấu chốt cho thấy sự “tiền hậu bất nhất” của ông Flynn.

Cũng theo quan chức trên, cơ quan tình báo Mỹ đã thu âm các cuộc gọi của ông Flynn với đại sứ Nga và khẳng định cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ có đề cập đến lệnh trừng phạt Moscow trong các cuộc nói chuyện này. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Pence hồi giữa tháng 1 tuyên bố trên truyền hình rằng ông Flynn không thảo luận về các lệnh trừng phạt với đại diện phía Nga.

Một quan chức khác của Nhà Trắng xác nhận Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã thẩm vấn ông Flynn ngay sau khi ông được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền của Tổng thống Trump. Nội dung cuộc thẩm vấn xoay quanh các cuộc trao đổi của ông với Đại sứ Sergei Kislyak.

Các cuộc điện đàm của cựu Cố vấn an ninh quốc gia Flynn với Đại sứ Kislyak diễn ra đúng vào thời điểm cựu Tổng thống Barack Obama tuyên bố áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, liên quan tới cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn