‘Thằng đi dạy thêm, đứa làm tiếp thị’: Phát tờ rơi vắt kiệt sức, nhận lương 'bèo'

Thứ bảy, 18/03/2017, 10:17
Huy nhận được 40.000 đồng khi phát hết 400 tờ rơi, đổi lại là cơ thể như bị vắt kiệt sức lực mỗi ngày đi hết nơi này đến chốn khác.“Người mỏi nhừ, chân thì tưởng như bước không nổi nữa”, Huy tâm sự.

Nhiều hôm đi phát tờ rơi về, chân tay Thương rệu rã

“Dưới quê lên Sài Gòn học mới được một tuần, em đã làm mất chiếc xe đạp. Em sợ ba mẹ lo cho em rồi buồn nên giấu luôn. Nghe mấy đứa bạn chỉ đi phát tờ rơi, thu nhập khá mà giờ giấc thoải mái nên em đăng ký. Em muốn tự kiếm tiền mua lại chiếc xe đạp”, Văn Huy tâm sự.

Ăn cơm nguội với nước mì gói

Là con trai lớn trong gia đình có 2 anh em trai, Nguyễn Văn Huy (SV năm 1, ĐH Luật TP.HCM) bắt đầu quãng đời sinh viên chỉ với 1.000.000 đồng trong túi, đó là số tiền mồ hôi nước mắt của ba mẹ Huy dành dụm được. “Lên trọ học, em không đủ khả năng tự thuê phòng nên có rủ thêm 2 đứa bạn cùng lớp thuê chung phòng trọ ở quận 9 để chia tiền ra cho nhẹ gánh”, Huy nói.

Vậy mà mới nhập học được một tuần, Huy đã làm mất món đồ giá trị nhất là chiếc xe đạp. Bạn bè thấy thế mới giới thiệu cho Huy đi phát tờ rơi quảng cáo. Nói về lý do lựa chọn việc phát tờ rơi, Huy giải thích, bởi công việc này không yêu cầu cao, không gò bó thời gian học, rảnh ngày nào thì đăng ký làm ngày đó.

Huy kể, hôm đầu tiên đi làm, cậu bạn được phân công chung nhóm với những bạn khác và có người giám sát đi theo. Nhóm bạn trẻ đã phải lội bộ gần 10km từ đường lớn cho đến hẻm nhỏ, phát tờ rơi không ngừng nghỉ. Hàng trăm tờ rơi là hàng trăm căn nhà mà Huy và các bạn phải đi qua. Có người thấy sinh viên đi làm thêm tội nghiệp, thương tình thì mời ly nước, nhưng cũng có nhà khó chịu, xua tay đuổi thẳng.

Có người vui vẻ nhận tờ rơi, có người nhìn lại các bạn với ánh mắt không mấy thiện cảm

Cứ mỗi xấp tờ rơi 400 tờ, sau khi hoàn thành, Huy được nhận 40.000 đồng, đổi lại là cơ thể như bị vắt kiệt sức lực mỗi ngày, lội bộ hết nơi này đến chốn khác. “Nguyên bả vai của em đau nhức kinh khủng do đeo nặng, người mỏi nhừ, chân thì tưởng như bước không nổi nữa”, Huy tâm sự.
Từ ngày đi làm thêm, Huy luôn phải vội vội vàng vàng sau mỗi buổi học để kịp giờ đến nhận và phát tờ rơi. Nhiều hôm buổi học kết thúc trễ, đường đến chỗ làm lại khá xa mà Huy lại đi xe buýt nên lại bị quản lý nhắc nhở và trừ lương.
Ngoài ra, Huy cũng cho hay, làm nghề này, đôi khi bản thân sẽ cảm thấy ngại, mất sĩ diện…và có lúc cũng rất bực mình. Đi phát tờ rơi, Huy gặp rất nhiều người và phải đối diện với nhiều kiểu ứng xử khác nhau.
Có người, dù không đọc nhưng vẫn nhận tờ rơi và cất vào túi. Có người thì lắc đầu từ chối không nhận, thậm chí có nhiều người không nói gì, thái độ khó chịu và nhìn Huy với ánh nhìn chẳng mấy thiện cảm khiến cậu cảm thấy chạnh lòng.
Theo lời cậu bạn, những ai làm 2 ca một ngày được công ty hỗ trợ tiền cơm trưa 10.000 đồng/người.
“Chừng đó tiền cũng không mua được cơm, tụi em đều phải thêm 5.000 đồng mới đủ mua cơm hộp. Mà không phải ngày nào cũng ăn vậy, có khi 3 thằng tụi em nấu mì gói ăn chung, còn dư nước thì trộn cơm nguội vô ăn tiếp cho no. Chứ ngày nào làm cũng phải mất 5.000 đồng tiền túi ra thì cũng như không”, Huy vừa nói vừa lắc đầu ngao ngán.
Nỗi ám ảnh khó nói thành lời
Cách đây 4 năm, Lê Thị Hoài Thương (24 tuổi, nhân viên kế toán một công ty ở quận 10, TP.HCM) chỉ là một cô sinh viên chân ướt chân ráo từ Cần Thơ lên Sài Gòn nhập học. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoại trừ học phí ba mẹ gửi ra thì các khoản tiền khác như chỗ ở, ăn uống… cô bạn đều phải tự lo. Chính vì vậy, dù chỉ mới học năm nhất nhưng Thương đã đăng ký đi làm thêm đủ các công việc từ phục vụ bàn, rửa chén cho đến phát tờ rơi.

Những ngày nắng thì mồ hôi ướt đẫm áo, ngày mưa thì Thương sợ ướt xấp tờ rơi..

Nhớ lại quãng thời gian đó, Hoài Thương kể, hôm đầu tiên đi làm Thương đã đến thật sớm, trời nắng nóng cộng thêm đoạn đường khá xa khiến lưng áo cô ướt đẫm mồ hôi.
“Chị quản lý giao cho mình xấp gần 500 tờ rơi rồi nói mình đến phát trước cổng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật. Cũng không biết làm sao để người ta nhận tờ rơi, phần nữa là do mới làm nên mình thấy ngại lắm. Phải trùm áo, đeo khẩu trang kín mặt rồi gặp bạn nào đi ra cũng đưa nhanh tờ giấy, miệng thì nói lí nhí “bạn ơi, cho mình gửi”, nói muốn khô cổ luôn”, Thương kể lại.
Lịch học năm nhất cũng khá thoải mái nên Thương chủ động đăng ký nhiều ca làm hơn. Có những hôm nắng gắt, cô bạn vẫn phải gồng mình từ sáng sớm tới tối mịt, nhận gấp đôi xấp tờ rơi với hy vọng kiếm thêm được chút tiền.
“Nhiều khi đang phát thì tự nhiên trời mưa xối xả, mình không sợ ướt người mà chỉ sợ ướt xấp tờ rơi thôi. Làm không bao nhiêu mà còn bị phạt hay bắt đền thì chết mất”, Thương nói.

"Mình sợ nhất là bị mấy người say và không đàng hoàng. Có đợt mình đang phát tờ rơi ở ngay đèn xanh đèn đỏ thì 2 người đàn ông cứ chạy sát vào vỉa hè rồi hỏi mình có muốn đi qua đêm không. Mình giả bộ không nghe thì người ngồi sau đưa tay ra tính làm gì đó. Sợ quá mình cắm đầu cắm cổ chạy một mạch đến khi ra đoạn có người đông mới dám dừng lại thở".

Hoài Thương tâm sự

Lúc ấy, Thương lăng xăng phát tờ rơi cho người này đến người khác, có người cầm người không nhưng hầu hết đều hững hờ. Có người đi xe máy, xe đạp nên Thương phải chạy theo bỏ tờ rơi vào giỏ xe cho nhanh. Một vài người thấy vậy thì tỏ rõ thái độ bực tức, chửi đổng rồi phóng xe vút đi sau khi ném tờ giấy xuống đất.
“Không phải cứ thích đứng chỗ nào hay phát bao nhiêu cũng được đâu, mình chỉ đứng đúng địa điểm được phân công thôi và sẽ có người theo dõi xem mình làm tốt không. Nếu mình phát tờ rơi mà người ta không nhận hoặc ném xuống đất thì mình phải đi nhặt lại từng tờ một. Nếu không sẽ bị trừ lương”, Hoài Thương chia sẻ.
Chưa kể việc Thương là con gái, lại sở hữu ngoại hình khá xinh xắn nên không ít lần đi làm cô bạn bị chọc ghẹo, gạ gẫm. Thương tâm sự: “Mình sợ nhất là bị mấy người say và không đàng hoàng. Có đợt mình đang phát tờ rơi ở ngay đèn xanh đèn đỏ thì 2 người đàn ông cứ chạy sát vào vỉa hè rồi hỏi mình có muốn đi qua đêm không. Mình giả bộ không nghe thì người ngồi sau đưa tay ra tính làm gì đó. Sợ quá mình cắm đầu cắm cổ chạy một mạch đến khi ra đoạn có người đông mới dám dừng lại thở”.

Có vài lần, Thương còn không được nhận đủ số tiền công như đã thỏa thuận ban đầu

Gần như hành xác cả ngày để nhận vài chục ngàn ăn cơm, đối với Thương, hay với những sinh viên nghèo, học xa nhà thì mỗi một tờ rơi được phát ra chính là một phần trong ổ bánh mì ăn sáng, một bữa cơm đạm bạc khi đã quá giờ trưa.
Phát tờ rơi được hết một tháng, tới ngày nhận lương, người quản lý lấy lý do số tờ rơi Thương phát ra chỉ 3 trường hợp có phản hồi về công ty. Với 3 tờ này, cộng thêm tiền công ty trả, Thương chỉ nhận được tổng cộng 150.000 đồng. “Số tiền này còn không đủ để mình gỡ vốn khi đã nộp cho trung tâm giới thiệu việc làm 250.000 đồng. Biết mình bị lừa nhưng không nói gì được, cầm 150.000 đồng trong tay mà ấm ức đến chảy nước mắt, mình tủi thân lắm, cảm giác bị người ta bắt nạt mà chẳng có ai giúp đỡ”, Thương kể với giọng nghèn nghẹn.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích