Nhiều nhà dân TP.HCM sẽ thoát quy hoạch “treo”

Thứ sáu, 24/03/2017, 10:40
UBND TP.HCM vừa chấp thuận đề xuất điều chỉnh quy hoạch nhiều khu vực quy hoạch đất chỉnh trang đô thị, đất giáo dục, công cộng và tuyến đường dự phóng tại các quận, huyện thành đất ở. Nhiều nhà dân vướng quy hoạch sắp được thoát “án treo”.

Tuyến đường dự kiến đi qua khu dân cư P.13 (từ hẻm 128 Hòa Hưng đến hẻm 79 Tô Hiến Thành) được UBND Q.10 đề xuất xóa bỏ, điều chỉnh theo lộ giới hẻm hiện hữu

Theo điều chỉnh, rà soát quy hoạch định kỳ mỗi năm năm một lần, trong năm 2016, UBND 24 quận, huyện tổng rà soát việc thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu tại các quận, huyện, lập danh sách đề xuất điều chỉnh.

Sở Quy hoạch - kiến trúc đã chủ trì, phối hợp cùng với các sở ngành và quận huyện lập danh mục đề xuất điều chỉnh quy hoạch các khu vực, đường dự phóng thiếu tính khả thi, thiếu nguồn lực thực hiện, kéo dài ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Hiện nay, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch của 23 quận, huyện (H.Hóc Môn chưa trình). Hiện các quận, huyện đang rà soát, thực hiện điều chỉnh.

Giảm lộ giới

Cùng với điều chỉnh quy hoạch các khu, nhiều quận, huyện còn đề xuất giảm lộ giới nhiều tuyến đường dự phóng “treo” hàng chục năm nay.

Đây là những tuyến đường dự phóng được “vẽ” rất đẹp trên đồ án, nhưng để thực hiện phải giải tỏa một khối lượng nhà dân rất lớn nên không có tính khả thi, trong khi người dân nằm trong lộ giới dự phóng chịu nhiều thiệt thòi.

Như tuyến đường dự phóng đi qua khu dân cư P.13, bắt đầu từ hẻm 128 đường Hòa Hưng đến hẻm 79 đường Tô Hiến Thành, P.13 (Q.10) dài 500m. Đây là một trong ba tuyến đường dự phóng có lộ giới trên 12m chạy giữa các khu dân cư P.13 (Q.10).

Để làm tuyến đường này, có 150 nhà dân đang ở ổn định sẽ bị giải tỏa. Theo tạm tính của UBND Q.10, nếu tính giá trung bình 4 tỉ đồng/căn, riêng tiền giải tỏa nhà dân đã hết khoảng 600 tỉ đồng. Còn tổng chi phí thực hiện phải mất vài ngàn tỉ đồng, không thể thực hiện được.

Vì vậy, UBND Q.10 đề xuất điều chỉnh lộ giới đường dự phóng tuyến đường này xuống sát với chiều rộng đường hẻm hiện hữu, một số đoạn chỉ mở rộng thành hẻm 4-6m. Việc này sẽ giúp giảm một khối lượng lớn nhà dân bị ảnh hưởng và giảm chi phí làm dự án.

Cũng trong đợt này, UBND Q.10 còn đề xuất điều chỉnh lộ giới 21 tuyến đường dự phóng khác trên địa bàn quận này. Trong đó, 4 tuyến đường đã được UBND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh, 4 tuyến thống nhất nhưng cần rà soát và 14 tuyến đường chưa được thống nhất.

Nhiều tuyến đường dự phóng không có khả năng thực hiện cũng được UBND các quận, huyện đề xuất điều chỉnh theo hướng xóa bỏ, thu hẹp hoặc nắn lộ giới. Như tuyến đường dự phóng nối đường Lê Văn Sỹ, P.2 (Q.Tân Bình) qua đường Hoàng Việt, P.4 (Q.Tân Bình), lộ giới 15m, trong khi đường hẻm hiện nay chỉ 4-6m.

Khu vực này nhà dân dày đặc, nếu mở rộng theo đường dự phóng sẽ có gần trăm hộ bị giải tỏa. Theo khảo sát sơ bộ của UBND Q.Tân Bình, để làm tuyến đường này có thể phải tốn vài ngàn tỉ đồng. Do vậy, quận đề xuất xóa bỏ, tìm các hướng tuyến khác khả thi hơn để thay thế.

Hẻm 687 đường Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM - đây là khu vực được UBND Q.Tân Bình đề xuất xóa bỏ quy hoạch chỉnh trang đô thị, “trả về” quy hoạch dân cư hiện hữu, đảm bảo quyền lợi cho người dân

Xóa khu quy hoạch thành đất ở

Ông Ngô Văn Dũng - chuyên viên Phòng quản lý đô thị UBND Q.Tân Bình - cho biết có nhiều khu vực quy hoạch, đường dự phóng được “vẽ” ra nhưng bao nhiêu năm không thực hiện gây ảnh hưởng đến người dân.

Thậm chí có những khu quy hoạch từ năm 1980 nhưng đến nay không kêu gọi được chủ đầu tư. Người dân sinh sống trong khu quy hoạch “treo” bao nhiêu năm không được xây dựng, hợp thức hóa chủ quyền nhà đất, thế chấp, mua bán đều gặp khó khăn.

Vì vậy, UBND quận mới rà soát, đề xuất điều chỉnh để giải quyết bức xúc cho người dân.

Ông Dũng cho biết đáng chú ý nhất trong danh mục đề xuất điều chỉnh ở Q.Tân Bình lần này là đề xuất xóa bỏ các khu quy hoạch chỉnh trang đô thị. Những khu này nhà dân nhỏ, ở san sát nhau, quận đề xuất điều chỉnh “trả về” quy hoạch dân cư hiện hữu.

Trước đây, việc quy hoạch khu dân cư hiện hữu thành khu chỉnh trang nhằm xóa bỏ nhà nhỏ “ổ chuột” để xây các dự án chung cư cao tầng, sắp xếp, chỉnh trang lại nhà dân. Ý tưởng tốt nhưng do nhà dân ở ken dày nên quy hoạch bao nhiêu năm vẫn không thể giải tỏa, di dời.

Trước đây, toàn Q.Tân Bình có 21 khu vực thuộc khu quy hoạch chỉnh trang. Đến năm 2016, UBND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh theo hướng xóa bỏ quy hoạch 9 khu. Nay quận đề xuất quy hoạch 12 khu còn lại thành đất ở hiện hữu.

Ông Dũng cho biết tại những khu này quận sẽ đánh giá lại lộ giới hẻm, có thể mở rộng một số đường hẻm cho phù hợp với tình hình thực tế và đồng bộ với hạ tầng hiện hữu.

Sau khi quy hoạch được điều chỉnh, phòng quản lý đô thị quận sẽ phối hợp với các phường công bố rộng rãi cho người dân biết để đi đổi chủ quyền hoặc xin phép xây dựng.

“Đối với những hộ được cấp giấy phép tạm, dù chưa đến thời hạn quy hoạch, nhưng được xóa quy hoạch lần này đương nhiên sẽ được hợp thức hóa phần nhà ở đã xây dựng” - ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Ngọc Anh - phó Phòng quản lý đô thị Q.10 - cho hay Q.10 có 8 đồ án quy hoạch phân khu. Trước khi lập danh mục đề xuất, quận đã rà soát tính khả thi của việc quy hoạch từ năm 2010 đến nay.

Những tuyến đường dự phóng đi trong khu dân cư, phải giải tỏa nhiều nhà dân, không khả thi đều được quận đề xuất xóa bỏ hoặc giảm lộ giới.

Dân ngóng hoài

Ông N.V.H. - một người dân sống ở hẻm 79 Tô Hiến Thành - cho biết gia đình ông sinh sống ở hẻm gần 20 năm nay. Ngồi chờ dự án mở đường, nhà cửa hư hỏng, ông không dám sửa chữa, xây mới.

“Không hiểu sao một khu dân cư dày đặc, người dân sinh sống ổn định vài ba chục năm nay lại quy hoạch một con đường chạy qua, làm biết bao nhiêu hộ dân khốn khổ. Mua bán, xây dựng gì cũng không được” - ông H. nói.

Khi nghe thông tin về xóa quy hoạch, nhiều người dân nằm trong khu vực, đường dự phóng sẽ được điều chỉnh quy hoạch lần này đã mừng thầm.

Gần 20 năm nay, người dân phía bên trái đường 18 đoạn quốc lộ 1 rẽ vào, thuộc P.Linh Trung (Q.Thủ Đức) khốn khổ vì dính quy hoạch bến xe. Đất mất giá, người dân không bán được nhà, bao năm nay xây dựng, sửa chữa không được.

Bà Lê Thị Bụi (70 tuổi, người dân sinh sống ở đây) cho biết đất vướng quy hoạch không làm được sổ đỏ, bà phải chia nhỏ bán rẻ cho người dân tứ xứ xây nhà tạm để ở. Hiện bà Bụi còn một thửa đất rộng khoảng 500m2, nhưng không xây được nhà nên phải đi thuê lại nhà của chính người mua đất mình để ở.

“Cứ ngóng hoài, giải tỏa thực hiện dự án thì giải tỏa nhanh cho dân còn đi tìm chỗ khác ổn định làm ăn, cứ vẽ ra rồi “treo” hoài dân gánh chịu đủ nỗi khổ. Đất có mà nhà không làm được” - bà Bụi 
thở dài.

Ghi nhận tại nhiều khu quy hoạch được phê duyệt điều chỉnh ở các quận, huyện khác người dân cũng “kêu trời” vì đủ nỗi khổ khi đất nhà nằm trong quy hoạch. Bởi vậy, thông tin khu của mình có khả năng được điều chỉnh, xóa quy hoạch thành đất ở khiến nhiều người dân mừng.

Ông N.H.T. (đường Gò Dưa, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức) có nhà xuống cấp hai năm nay nhưng không xây mới được vì vướng quy hoạch. Hai năm nay, ông T. sống trong tình cảnh đi không được ở chẳng xong.

Nghe tin khu vực có khả năng được điều chỉnh quy hoạch thành đất ở, ông T. mừng ra mặt: “Nếu được vậy mừng lắm. Giờ được xóa quy hoạch còn dám xây dựng, chứ không thì chỉ biết ở nhà vậy thôi”.

Một số khu vực điều chỉnh

* Khu dân cư phía nam đường Linh Trung, P.Linh Trung (Q.Thủ Đức): do một số ô phố đã quy hoạch thành bến xe, bãi giữ xe không khớp với hiện trạng hoặc không phù hợp với tình hình phát triển đô thị, điều chỉnh một phần thành đất ở.

* Khu dân cư P.Bình Trưng Tây, diện tích 125,54ha: tách 13 hộ dân ra khỏi ranh khu quy hoạch trường học và công viên cây xanh để cấp giấy chứng nhận.

* Xóa đường dự phóng qua khu dân cư bắt đầu từ hẻm 128 đường Hòa Hưng đến hẻm 79 đường Tô Hiến Thành, P.13 (Q.10) dài 500m, có 150 nhà dân đang ở ổn định.

* Quy hoạch phân khu - khu 1 (Q.Tân Phú): các ô phố, lô đất công trình giáo dục (I/128); công viên cây xanh (I/92); đất tôn giáo (I/3) được điều chỉnh lại ranh, thành đất ở.

* Quy hoạch phân khu - khu 2 (Q.Tân Phú): điều chỉnh một số khu quy hoạch đất cây xanh, công viên TDTT (I/79, I/142); đất công trình giáo dục (I/54); đất công trình tôn giáo (một phần III/118) thành đất ở.

* Quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị các phường 3, 4, 5, 7, 10, 11, 12, 14 (Q.Tân Bình): 12 khu thuộc đất chỉnh trang đô thị sẽ được xóa quy hoạch trở thành khu dân cư hiện hữu...

Ông Nguyễn Thanh Toàn - phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM

Quy hoạch không phải “thần thánh”

PV trao đổi với ông Nguyễn Thanh Toàn - phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM.

* Việc chấp thuận cho các quận, huyện điều chỉnh lộ 
giới nhiều tuyến đường dự phóng theo hướng xóa bỏ hoặc giảm, nắn lộ giới có ảnh hưởng đến quy hoạch giao thông chung của TP.HCM hay không, thưa ông?

- Giảm lộ giới đường có tác động một phần, chứ không phải không có. Nhưng vấn đề tuyến đường dự phóng đó có khả thi hay không. Một phần do khi nghiên cứu giao thông trước đây, theo quy hoạch chung, TP chưa tính tới hệ thống giao thông sức tải lớn.

Bây giờ TP đã có quy hoạch sáu tuyến metro, hơn 20 tuyến đường trên cao, như vậy sẽ gánh, chia tải bớt cho giao thông đường bộ.

* Vì sao có những bất cập trong quy hoạch, quy hoạch “vẽ” ra xong rồi không thực hiện được, trong khi người dân chịu vô vàn khó khăn? Và liệu việc điều chỉnh lần này có giải quyết được những bất cập?

- Sở dĩ quy hoạch có những bất cập cần điều chỉnh là do giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành có bất cập. Cách đây 10 năm, quy hoạch ngành có nhu cầu, nhưng giờ không có nhu cầu nữa nên quy hoạch xây dựng phải tích hợp, điều chỉnh.

Ví dụ tại một khu vực, thời điểm quy hoạch trước, bên ngành y tế họ nói ở đây cần có bệnh viện, ngành giáo dục nói ở đây có trường,... nhưng hiện tại, khi rà soát quy hoạch, các ngành lại không có nhu cầu nữa, cho nên phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển hiện tại.

Vấn đề bất cập trên đang được TP tìm cách giải quyết. Từng giai đoạn năm năm, quy hoạch đó được rà soát, đối chiếu có phù hợp hay không để xem xét, cân nhắc điều chỉnh. Thành ra quy hoạch không phải “thần thánh”, mà là định hướng, dự báo.

Có những dự báo chưa chính xác phải điều chỉnh, đó là chuyện bình thường. Nếu chính quyền sốt ruột cho người dân thì quan trọng nhất phải xây dựng chính sách nhà đất sòng phẳng đối với người dân trong các khu vực 
quy hoạch.

* Cụ thể chính sách đất đai để bảo đảm quyền lợi của người dân trong các khu vực quy hoạch là gì?

- Phải cho người dân trong ranh quy hoạch các khu vực không phải nhà ở hiện hữu được hưởng đầy đủ những quyền lợi như người dân ngoài ranh. Còn như hiện nay người dân chịu nhiều thiệt thòi, hạn chế quyền lợi khi nhà đất bị “vướng” quy hoạch.

Quy hoạch được “vẽ” ra nhưng nguồn lực không xác định được khi nào làm, người dân muốn tách thửa, mua bán, sang nhượng, chứng nhận, thế chấp không được.

Chỉ cách nhau một lằn ranh quy hoạch nhưng quyền lợi người dân trong ranh quy hoạch bị chênh lệch quá lớn so với người dân khác. Cho nên người dân bức xúc là đúng.

Do vậy, sở đang kiến nghị UBND TP, Bộ Xây dựng, trung ương xây dựng chính sách nhà đất làm sao để hạn chế độ “vênh” quyền lợi cho người dân trong khu quy hoạch. Người dân đồng tình, sản phẩm quy hoạch mới ổn định.

* UBND TP.HCM cũng có ban hành quyết định 27 tạo điều kiện cho người dân trong các khu quy hoạch được xây dựng nhà. Tuy nhiên quá trình thực hiện, mỗi quận huyện vận dụng một cách khác nhau. Vì sao vậy, thưa ông?

- Quyết định 27 là mở ra một chính sách thoáng trong vấn đề xây dựng cho người dân trong khu vực quy hoạch. Tuy nhiên, Luật xây dựng 2014 lại không cho, vô hiệu quyết định 27. Đây là bất cập lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

Do đó, TP đang xin ý kiến HĐND, Thành ủy đề xuất Bộ Xây dựng, Chính phủ cho TP.HCM được thực hiện quyết định 27. Bộ Xây dựng cũng có chủ trương sẽ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh điều khoản luật theo hướng cho phép 
người dân xây dựng trong khu quy hoạch.

Theo quan điểm của tôi, đối với những khu quy hoạch người dân phải có quyền được mua bán, tách thửa, sang nhượng, thế chấp như những hộ dân ngoài ranh quy hoạch. Riêng về việc xây dựng nhà ở có thể có quy định chung khống chế mật độ xây dựng theo từng khu vực chức năng quy hoạch.

Đối với những khu quy hoạch công viên, giao thông, bệnh viện có thể cho người dân xây dựng nhưng khống chế mật độ. Còn đối với những khu vực dân cư xây dựng mới, dân cư hỗn hợp hay khu vực khác, cứ sòng phẳng quyền lợi của người dân.

Không lý gì những khu vực này mình kêu gọi chủ đầu tư vào đầu tư có lợi nhuận, nhưng người dân lại bị khống chế. Ông chủ đầu tư có tiền cứ vào đền bù sòng phẳng cho dân để làm dự án xây dựng mới.

Theo TTO

Các tin cũ hơn