Tờ The Wall Street Journal hôm 22/3 dẫn một số nguồn tin cho biết các nhà điều tra liên bang Mỹ còn tập trung vào một số cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc giúp Triều Tiên tiến hành một trong những vụ trộm tiền ngân hàng lớn nhất lịch sử. Bộ Tài chính Mỹ cũng xem xét những biện pháp trừng phạt nhằm vào những đối tượng trung gian này.
Cùng ngày, một quan chức Mỹ biết rõ cuộc điều tra tiết lộ với Reuters rằng Cục Điều tra Liên bang (FBI) tin rằng Bình Nhưỡng chịu trách nhiệm về vụ việc. Trước đó, ông Richard Ledgett, Phó giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, hôm 21/3 công khai nói về khả năng Triều Tiên có liên quan đến vụ trộm. Những cáo buộc chính thức này, nếu có, không gây quá nhiều ngạc nhiên bởi các công ty bảo mật từng khẳng định một số công cụ dùng trong vụ đánh cắp tiền nêu trên tương tự công cụ dùng để tấn công mạng hãng Sony Pictures Entertainment năm 2014. FBI hồi tháng 12-2014 đã kết luận Triều Tiên đứng sau vụ tấn công Sony Pictures.
Trụ sở FED chi nhánh New York |
Văn phòng FBI tại 2 thành phố Los Angeles và New York dẫn đầu cuộc điều tra quốc tế sau vụ trộm tiền ngân hàng hồi tháng 2/2016. Khi đó, tin tặc xâm nhập hệ thống máy tính của Ngân hàng Trung ương Bangladesh, sử dụng mạng tin nhắn tài chính của Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và Tài chính quốc tế (SWIFT) để yêu cầu chuyển gần 1 tỉ USD từ tài khoản của ngân hàng này tại FED New York. FED New York từ chối phần lớn đề nghị này nhưng vẫn thực hiện một vài yêu cầu. Hậu quả là khoảng 81 triệu USD đã được chuyển đi, sử dụng tại các sòng bạc và một số thực thể khác tại Philippines.
Hồi tháng 12/2016, một nhà điều tra ở Bangladesh nói với Reuters rằng một số quan chức Ngân hàng Trung ương Bangladesh cố tình “tạo điều kiện” để tin tặc xâm nhập hệ thống máy tính của họ. SWIFT cũng tiết lộ hệ thống tin nhắn của mình là mục tiêu của một số vụ tấn công vào năm ngoái, sử dụng thủ đoạn tương tự vụ Bangladesh.
Vụ đánh cắp tiền gây chấn động nêu trên lập tức phơi bày những lỗ hổng trong hoạt động liên lạc liên ngân hàng và mạng thanh toán của hệ thống tài chính toàn cầu, dẫn đến việc kêu gọi nâng cao khả năng bảo mật cho các ngân hàng trung ương. Vào tuần rồi, SWIFT cho biết có kế hoạch không cho 4 ngân hàng Triều Tiên còn lại tiếp cận hệ thống tin nhắn tài chính của mình giữa lúc nỗi lo về chương trình hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng đang tăng.
Theo NLĐ