|
Đề xuất tăng giá trần vé máy bay hạng phổ thông sẽ ảnh hưởng đến nhiều hành khách |
Trong khi đó, một số hãng hàng không kiến nghị nên... bỏ giá trần vé máy bay, đồng thời áp mức giá sàn nhằm ngăn ngừa hiện tượng cạnh tranh bằng... giá rẻ.
Do chi phí tăng?
Giải thích lý do tăng giá trần vé máy bay, CAA cho rằng so với mức giá trần hiện tại, mức kê khai giá tối đa của hãng hàng không hiện chỉ vào khoảng 85-98% tùy theo nhóm đường bay, trong khi giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á đang có chiều hướng tăng trở lại, đạt 66,8 USD/thùng.
Ngoài ra, nhiên liệu này còn chịu thuế nhập khẩu 7% và thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít, chưa kể tỉ giá USD/VND hiện nay cũng đã tăng thêm khoảng 3%.
Theo tính toán của CAA, đến tháng 2-2017 biến động của giá nhiên liệu và tỉ giá làm chi phí chuyến bay tăng khoảng 6,7% so với tháng 9-2015 (thời điểm áp giá trần vé máy bay hiện đến nay).
Với 85% tổng chi phí, gồm thuê phi công nước ngoài, thuê mua máy bay, nhiên liệu... đều được trả bằng ngoại tệ nên việc tỉ giá tăng khiến chi phí của mỗi chuyến bay tăng khoảng 2,55%/ năm.
“Các đường bay nội địa dưới 500km luôn phải áp dụng mức giá trần thấp hơn giá thành, buộc các hãng hàng không phải lấy doanh thu vận chuyển trên các tuyến đường dài để bù đắp chi phí, duy trì hoạt động của các tuyến đường ngắn” - một lãnh đạo CAA nói.
Do đó, theo vị này, việc tăng mức trần khung giá vé máy bay nội địa, đặc biệt đối với một số tuyến đường dài là cần thiết, với mức tăng trung bình 11,8% và đảm bảo duy trì ổn định trong thời gian ít nhất 2 năm.
Nên bỏ trần và áp giá sàn?
Thế nhưng, đóng góp cho dự thảo này, đại diện Công ty CP hàng không VietJet đề nghị nên bỏ luôn giá trần, với lý do thị trường dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường không đang phát triển rất mạnh và có sự cạnh tranh gay gắt của các hãng hàng không.
Mặt khác, việc quy định giá trần đối với vé hạng phổ thông trên các đường bay nội địa không còn phù hợp với thực tế.
“Nhà nước chỉ quản lý, giám sát giá dịch vụ chứ không nên quy định giá trần để tôn trọng các nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường”, doanh nghiệp này đề xuất.
Theo doanh nghiệp này, một khi bỏ giá trần, các hãng hàng không sẽ tự tính toán, cân đối nguồn thu, đảm bảo bù đắp chi phí và có điều kiện nâng cấp dịch vụ phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
Trong khi đó, Công ty CP hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) không những ủng hộ việc tăng giá trần mà còn đề nghị áp mức giá sàn vé máy bay để ngăn ngừa việc cạnh tranh bằng giá rẻ. Theo đó, giá sàn cho năm nhóm đường bay dao động từ 29% đến 34% so với giá trần.
“Sự phát triển nóng trong ngành hàng không thời gian qua đang gây sức ép lên cơ sở hạ tầng nhà ga, sân bay cũng như giao thông quanh khu vực các cảng hàng không lớn trong nước”, doanh nghiệp này khẳng định.
Dẫn số liệu cho thấy mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa tăng hơn 30%/năm trong giai đoạn 2014-2016, doanh nghiệp này cho rằng các hãng hàng không đã phải liên tục giảm giá vé, có khi thấp hơn giá thành và thậm chí còn thấp hơn giá vé đường sắt, đường bộ.
Chính điều này tạo ra sự phát triển mất cân đối giữa hàng không và các ngành vận tải khác, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, sự phát triển bền vững của các hãng hàng không.
Phải bảo vệ quyền lợi khách hàng
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Thỏa - tổng thư ký Hội Thẩm định giá VN - cho rằng số liệu của CAA cho thấy giá trần vé máy bay còn chưa sử dụng hết, mới chỉ đạt 85% giá trần, nên việc bỏ giá trần vé máy bay là không cần thiết.
“Kinh doanh hàng không hiện có cạnh tranh ở một số đường bay lớn, nhưng vẫn còn có một số đường bay độc quyền, chỉ có một hãng hàng không khai thác. Nếu bỏ giá trần, doanh nghiệp sẽ “tự tung tự tác” nâng giá quá cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng” - ông Thỏa khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Trí Long, chuyên gia về giá, cho rằng thị trường hàng không đang có độc quyền nhóm, cạnh tranh rất yếu. Nếu không quy định giá trần, doanh nghiệp chiếm thị phần cao hơn sẽ tăng giá vé, các doanh nghiệp còn lại sẽ tăng theo, gây thiệt hại cho hành khách đi lại bằng máy bay.
Với đề xuất cần phải quy định giá sàn vé máy bay, ông Thỏa cho rằng không cần thiết, bởi giá sàn thực chất nhằm bảo vệ lợi ích cho các hãng hàng không. Không có giá sàn, các hãng hàng không phải cạnh tranh với nhau để đưa ra mức giá cạnh tranh nhất và điều này là có lợi cho người tiêu dùng.
Nếu áp giá sàn vé máy bay sẽ không tạo động lực để các hãng hàng không cạnh tranh, giảm chi phí.
“Người ta sợ không có giá sàn sẽ có sự cạnh tranh không lành mạnh, khuyến mãi, bán dưới giá thành nhằm thâu tóm thị trường. Tuy nhiên, đừng quên là thị trường được điều chỉnh bởi Luật cạnh tranh, anh có thể hạ giá nhưng nếu vi phạm Luật cạnh tranh, cơ quan quản lý sẽ tuýt còi ngay lập tức” - ông Thỏa nhấn mạnh.
Ngay cả VietJet cũng cho rằng việc áp giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá của các hãng hàng không nội địa, làm hạn chế cơ hội đi máy bay của người dân.
“Nếu quy định giá sàn, cần phải tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của các viện nghiên cứu và chuyên gia để đánh giá tác động, đồng thời tổ chức thăm dò ý kiến người tiêu dùng về việc cần có giá sàn hay không”, doanh nghiệp này khuyến nghị.
Dự thảo khung giá vé máy bay hạng phổ thông trên các đường bay nội địa
|
Nguồn: Cục Hàng không |
Theo TTO