Phương Tây phát sốt khi tàu ngầm Nga đến Syria

Thứ sáu, 14/04/2017, 12:42
Theo truyền thông Israel, sau khi hoàn thành tuần tra Baltic, nhiều khả năng tàu ngầm hạt nhân Dmitri Donskoy sẽ được Nga điều đến Syria.

Tái triển khai

Theo kế hoạch được Bộ Quốc phòng Nga công bố, hải quân nước này chuẩn bị đưa tàu ngầm hạt nhân này từ Biển Trắng, qua Na Uy và Đan Mạch tiến vào biển Baltic để thực hiện nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Baltic, nhiều khả năng con tàu này sẽ được Nga triển khai đến ngoài khơi Syria để đối phó với tính hình bất ổn tại đây, theo tờ Debkafile của Israel.

Nguồn tin này cho rằng, trước đó, chiếc tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới này cũng đã được triển khai ở ngoài khơi Syria hồi cuối năm 2015 - thời điểm Nga vừa phát động chiến dịch quân sự tấn công khủng bố tại Syria.

Tàu ngầm Dmitri Donskoy có chiều dài 175m, độ rẽ nước khi lặn lên tới 48.000 tấn, tàu Dmitri Donskoy là tàu ngầm lớn nhất thế giới hiện nay. Tàu có thể mang theo 20 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Bulava với số đầu đạn hạt nhân tối đa lên đến 200.

Tàu ngầm hạt nhân Dmitri Donskoy.

Nếu thông tin tàu ngầm hạt nhân Dmitri Donskoy sẽ đến Syria là thật thì cùng với quân cảng Tartus của Nga tại Syria, đây thực sự là mối lo ngại kép đối với Mỹ và NATO. Về mặt địa lý, từ Tartus Nga có thể dễ dàng điều quân chi viện đến Biển Đen và nhiều vùng biển khác trên thế giới.

Có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Nga và được coi là yết hầu với phương Tây trong khu vực, vì vậy, theo nhận định của nhiều chuyên gia sẽ không chỉ có tàu ngầm Dmitri Donskoy được Nga tăng cường tại Tartus trong thời gian tới.

Tartus được thành lập vào năm 1970 trong thời gian chiến tranh lạnh. Khi đó, căn cứ này được triển khai để hỗ trợ các hoạt động của Hải quân Liên Xô tại khu vực Địa Trung Hải.

Đây là một trong những căn cứ quan trọng cho các hoạt động của Hải quân Liên Xô trên khắp thế giới cùng với các căn cứ khác ở Ai Cập giai đoạn 1970-1977, Ethiopia giai đoạn 1978-1985 và Việt Nam giai đoạn 1979-2002.

Mỹ khiếp sợ

Được biết, tàu ngầm hạt nhân là 1 trong bộ ba hạt nhân của Nga khiến Mỹ ngán ngại nhất. Theo nhận định Phó Đô đốc Hải quân Mỹ, James Foggo, trong bộ ba hạt nhân chiến lược của Nga, lực lượng tàu ngầm Hải quân có hiệu quả nhất, khả năng hoạt động độc lập và bí mật cao. Tàu ngầm không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, và có thể thực hiện nhiệm vụ cách xa bờ biển nước Nga hàng ngàn dặm.

"Lực lượng tàu ngầm được trang bị công nghệ hiện đại, hoạt động hiệu quả và thiện chiến của Nga" là một thách thức đối với Mỹ ở Đại Tây Dương, báo Die Welt của Đức dẫn phân tích của James Foggo trong bài viết nêu nguyên nhân khiến Mỹ phải dè chừng Nga.

"Nga đang nhanh chóng lấp đầy khoảng cách công nghệ so với Mỹ. Quốc gia này đã tạo ra tạo ra một lực lượng quân đội hiện đại để khắc chế ưu thế và khai thác điểm yếu của chúng ta - đây là hình ảnh thu nhỏ của một cuộc chiến bất cân xứng", Phó Đô đốc James Foggo thừa nhận đồng thời cho biết thêm.

"Nga đang nhanh chóng xây dựng-phát triển tàu ngầm ngày càng hiện đại, hoạt động êm hơn và tàu khu trục được trang bị tên lửa hành trình tầm xa Kalibr. Chớ xem thường, đó là nền tảng sinh ra thách thức to lớn để chúng ta có thể đối phó với công nghệ tàng hình ưu việt của họ".

"Ưu thế rõ ràng mà chúng ta từng tận dụng trong chiến tranh tàu ngầm thời kỳ Chiến tranh lạnh đang dần bị suy yếu. Tàu ngầm Nga ngày càng hiện đại hơn, và do đó, một lần nữa chúng ta phải vật vã chạy đua công nghệ vũ khí với Nga", ông James Foggo nhận định.

Trước đó, kênh truyền hình CNN phát phóng sự về cán cân tàu ngầm Nga - Mỹ và đưa ra nhận định rằng hạm đội tàu ngầm của Moskva đang thách thức sự thống trị đại dương của hạm đội tàu ngầm Mỹ.

"Chúng ta lại quay lại thời kỳ khi chúng ta phải cân nhắc tới sự hiện diện của đối phương có khả năng thách thức chúng ta dưới nước. Ưu thế được đảm bảo dưới nước (của chúng ta) không còn nữa", Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Oliver Lewis thừa nhận.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn