Anh nổi giận với Mỹ vì làm lộ thông tin tình báo vụ đánh bom

Thứ tư, 24/05/2017, 15:39
Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd ngày 24-5 đã chỉ trích Mỹ sau khi các thông tin mật về vụ tấn công ở Manchester xuất hiện trên truyền thông được cho là do tình báo Mỹ để lộ.

Theo trang Independent, bà Rudd nói rằng hành động của Mỹ thực sự gây tức giận, đồng thời nữ Bộ trưởng cũng khẳng định bà đã nói rõ với những người đồng cấp Mỹ rằng kiểu rò rỉ như thế không nên tái diễn.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd.

Sự việc diễn ra chỉ 1 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump một mực bảo vệ quyền tiết lộ những thông tin tình báo mật cho các lãnh đạo nước khác. Trong khi đó ông chủ Nhà Trắng cũng từng chỉ trích việc rò rỉ thông tin từ cơ quan tình báo.

Khi được phỏng vấn trên chương trình Today của kênh BBC Radio 4 về sự việc rò rỉ thông tin của tình báo Mỹ, bà Rudd nhấn mạnh: "Cảnh sát Anh đã nói rất rõ về việc họ muốn kiểm soát luồng thông tin để bảo vệ sự liêm chính của cuộc điều tra, cũng như sự bí mật".

"Thế nên thật bực bội khi những thông tin đó lại bị công bố cho các nguồn khác và chúng tôi cũng nói rõ với những cơ quan đồng cấp rằng việc này không nên tái diễn" - nữ Bộ trưởng khẳng định thêm.

Khi được hỏi liệu hành động của phía Mỹ có gây nguy hại cho cuộc điều tra vụ tấn công ở Manchester hay không, bà Rudd nói: "Tôi không thể nói xa hơn về vấn đề này nhưng tôi có thể nói là họ giờ đã nắm rõ về tình hình và rằng không nên để chuyện rò rỉ thông tin tái diễn".

Theo Independent, một số chi tiết về vụ tấn công ở Manchester đêm 22-5 đã xuất hiện trên truyền thông Mỹ, gồm những đài lớn như NBC và CBS, trước cả khi cảnh sát Anh công bố cho truyền thông địa phương.

Chẳng hạn như con số thương vong ban đầu, việc vụ tấn công được cho là đánh bom tự sát và tên của kẻ tấn công đều được công bố qua truyền thông Mỹ. Và những thông tin này được cho là do các nguồn tin tình báo Mỹ làm rò rỉ.

Tên của kẻ đánh bom tự sát được xác định là Salman Abedi

Thông tin tình báo hiện được chia sẻ giữa Anh, Mỹ, Canada, Úc và New Zealand theo thỏa thuận UKUSA, còn được gọi là chương trình "Năm đôi mắt".

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích