Thời gian vừa qua đã có nhiều bài báo phản ánh về tàu cá đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP tại một số địa phương không đảm bảo để hoạt động thủy sản.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến tàu cá vỏ thép, vỏ gỗ, vỏ vật liệu mới để đảm bảo chất lượng, an toàn cho tàu cá khi hoạt động thủy sản trên biển.
Đồng thời, chỉ đạo các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP trên địa bàn.
Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các nhiệm vụ trên trước ngày 30/6/2017.
Những chiếc tàu vỏ thép mới đóng của ngư dân Bình Định bị hư hỏng, phải "nằm bờ". |
Trước đó như PV đã đưa tin, hiện có 17 chiếc tàu vỏ thép mà ngư dân Bình Định, đặt đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (tỉnh Nam Định) và Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng) bị hư hỏng nặng, không thể sử dụng.
Qua trao đổi với ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (SN 1961) ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, được biết, gia đình có làm hợp đồng với đơn vị đóng tàu là Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng chiếc tàu cá vỏ thép với tổng kinh phí 15,2 tỷ đồng hành nghề lưới vây. Trong thời gian đóng tàu, bản thân ông Mạnh đã về tận nhà máy tham gia giám sát.
"Chính tôi là người phát hiện ra công ty này không dùng thép Hàn Quốc, Nhật Bản mà là thép Trung Quốc, vì thấy có chữ China màu vàng trên thép. Khi đó tôi có nói thẳng với công nhân thì bị chửi mắng lại với những lời lẽ thô tục, không cho chụp hình, hăm dọa đánh đập.
Họ bảo rằng ngư dân chúng tôi chỉ được góp ý sửa chữa những phần trên boong tàu, phần khoang tàu nhà máy cứ căn cứ vào bản thiết kế mà làm. Trong khi, mình thì chỉ biết nói bằng kinh nghiệm thực tế, còn họ căn cứ vào giấy tờ thì mình phải chịu thôi chứ biết làm sao", ông Mạnh cho hay.
Nhiều thiết bị trên tàu bị gỉ sét |
Thậm chí, theo kinh nghiệm hơn 40 năm bám biển, ông Mạnh nhận thấy con tàu được thiết kế không phù hợp, ông góp ý nhưng không được ai ghi nhận.
Chiếc tàu cá vỏ thép của gia đình ông Mạnh mang số hiệu BĐ 99567 TS (811 CV), trông đẹp mắt, nhưng khi hạ thủy từ Nam Định và chạy về đến vùng biển quê nhà vào ngày 22/8/2016, đã có bộ phận lái rung và chân vịt bị hỏng.
Rồi khi mở chuyến biển đầu tiên, ra đến khơi lưới bủa đến đâu đều bị cuốn hết vào chân vịt đến đó, không đánh bắt được.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 10/5, UBND tỉnh Bình Định cũng đã tổ chức cuộc họp giữa các ngư dân có tàu vỏ thép đóng theo chương trình của Chính phủ nhưng nhanh hư hỏng với các nhà máy cùng các sở ngành, địa phương liên quan.
Thế nhưng, đại diện Công ty Đại Nguyên Dương thừa nhận công ty dùng thép Trung Quốc nhưng là loại thép có chất lượng tương đương với thép Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời cũng cho biết nhà máy không hỏi ý kiến chủ tàu khi thay loại thép vì nghĩ cơ quan đăng kiểm cho phép thì làm.
Tại cuộc họp, ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói ngư dân không có kiến thức nên không giám sát được việc đóng tàu, khoán trắng cho nhà máy, trong khi hai công ty đóng tàu chưa thực sự vì tính đa mục tiêu của Nghị định 67 mà chỉ nghĩ làm ăn kinh tế, kiếm lời, dẫn đến sự cố của hàng loạt tàu vỏ thép mới đóng.
Ông Châu yêu cầu Sở NNPT-NT tỉnh Bình Định thuê ngay một đơn vị độc lập kiểm định chất lượng tất cả các tàu vỏ thép có vấn đề do hai công ty trên thi công, báo cáo đầy đủ tình hình thất thu của ngư dân do việc hư hỏng tàu gây nên để tỉnh có hướng xử lý.
Nhưng theo ngư dân Bình Định thì công ty mới chỉ cam kết khắc phục, sửa chữa lại trong phạm vi còn bảo hành, bão dưỡng, còn ngoài ra chưa có cam kết gì thêm.
Theo Đất Việt