Tâm sự 'ruột gan' của bác sĩ cấp cứu cho các bệnh nhân nghi sốc phản vệ

Thứ ba, 30/05/2017, 19:18
"Tôi thèm khát được khóc, được giải tỏa, chia sẻ với bệnh nhân nhưng tôi không thể làm thế được vì dưới mình còn 40 nhân viên, họ cần 1 chỉ huy, cần người kết nối công việc cho thật tốt", lãnh đạo khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình chia sẻ.

Ths.BS Hoàng Công Tình – Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.

Trưa 30/5, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, PV  đã có cuộc trao đổi với Ths.BS  Hoàng Công Tình – Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.

Sau sự cố y khoa nghiêm trọng khiến 7 người chết, nhiều người đang nguy kịch, dường như vị Phó khoa Hồi sức vẫn chưa hết bàng hoàng. Khuôn mặt hoang mang, suy tư của ông khiến người đối diện có thể cảm nhận được rõ rệt.

Chúng tôi xin trích nguyên văn những lời tâm sự "gan ruột" của vị bác sĩ đã trực tiếp cấp cứu cho các nạn nhân trong vụ sốc phản vệ ở Hòa Bình:

"Nhiều người đã gọi điện cho tôi để hỏi thăm tình hình sức khỏe của các nạn nhân thế nào, mức độ ra sao, rồi kết quả điều trị, phối hợp giữa đơn vị liên quan, nhưng chưa có ai hỏi tâm trạng của chúng tôi sau biến cố đau lòng này.

Đối với bệnh nhân chạy thận, có bệnh nhân gắn bó với chúng tôi gần 10 năm, người  ít nhất cũng 1-2 năm. Bởi vì gặp nhiều nên chúng tôi biết hết tên, tuổi, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình và đôi khi biết hết tính cách, tâm lý bệnh nhân.

Chúng tôi hiểu, người mắc bệnh thận mãn tính họ rơi vào trạng thái như trầm cảm, chán nản. Nhiều trường hợp họ muốn bỏ lọc vì họ thấy việc gắn bó với bệnh viện liên tục như vậy rất mệt mỏi. Những lúc như vậy, người thầy thuốc lại phải động viên bệnh nhân suy thận để họ có động lực chiến đấu với bệnh tật.

Tôi có thể thuộc tên tuổi từng bệnh nhân, biết thời điểm nào đó người ta không muốn lọc, thời điểm nào đó người ta bi quan... Đặc biệt những hôm mưa gió, tới giờ lọc tôi lại nghĩ tới những bệnh nhân ở huyện, ở xa vì đi xe máy, xe buýt họ có tới nơi được không. Có những ca lọc phải chờ, người khỏe trong điều kiện thời tiết bình thường tới đúng giờ đã khó chứ đừng nói tới bệnh nhân chạy thận.

Tôi cũng là người trực tiếp cấp cứu cho 18 bệnh nhân từ đầu và theo bệnh nhân tới giờ phút này.

Khi xảy ra sự cố, tâm trạng đau xót của anh em chúng tôi, của nhân viên y tế nếu đo được cũng không kém người nhà bệnh nhân. Chúng tôi đau đớn như cảm giác mất đi người thân trong gia đình. Từ trưa qua tới giờ tôi không có cảm giác muốn ăn gì dù nhân viên cũng mua đồ ăn tới động viên.

Các bác sĩ nỗ lực cấp cứu bệnh nhân trong vụ sốc phản vệ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Tôi khẳng định riêng bản thân tôi là mất mát to lớn. Nhưng lúc làm chuyên môn phối hợp các bên liên quan, đối diện với người nhà bệnh nhân mình vẫn phải can đảm, cố gắng làm sao công việc thực sự suôn sẻ.

Thời điểm này tôi rất thèm khát được khóc, được giải tỏa, chia sẻ với bệnh nhân nhưng tôi không thể làm thế được vì dưới mình còn 40 nhân viên, họ cần 1 chỉ huy, cần người kết nối công việc cho thật tốt.

Tôi cũng tự động viên bản thân mình, giờ phút này mình phải can đảm hơn. Lúc có mặt bệnh nhân, làm việc với anh em tôi luôn phải bình tĩnh nhưng có những lúc ngồi 1 mình hay ngồi với các bạn thực sự có gì đó xúc động.

7 bệnh nhân không tử vong cùng 1 lúc vì diễn biến bệnh của mỗi bệnh nhân khác nhau, có những bệnh nhân nặng tử vong sớm hơn. Lúc cấp cứu, nhiều điều dưỡng nữ khóc và tôi cũng trấn an các bạn phải cố gắng lên.

Ngay bản thân tôi cũng nghĩ đó là cơn ác mộng nhưng đó là sự thật mà mình phải chấp nhận nó.

Từ hôm qua tới giờ tôi chưa nhận được phản ứng tiêu cực nào từ phía người nhà bệnh nhân dù họ đều thuộc cả số điện thoại, địa chỉ nhà riêng của tôi. Về chuyên môn và tinh thần phục vụ từ trước tới nay, tôi khẳng định đa số các bệnh nhân đều rất tin tưởng và khen ngợi. Nhưng không may xảy ra tôi cũng thấy rất buồn phiền.

Tôi là 1 trong những bác sĩ nói và tiếp xúc nhiều với bệnh nhân. Người nhà bệnh nhân có thể trách móc, có thể hỏi, có thể phản ứng cảm xúc mạnh, nhưng người nhà 7 nạn nhân xấu số chưa nói với tôi câu nào nặng lời".

Nội dung diễn biến vụ việc:

Sáng 29/5, tại khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có 18 bệnh nhân suy thận mạn được chạy máy. Sau 45 phút chạy thận, một số bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó thở, buồn nôn…

Ngay sau đó, các bác sĩ đã cho dừng chạy máy và báo cáo lãnh đạo bệnh viện. Nhận thấy đây là tai biến y khoa nghiêm trọng, lãnh đạo bệnh viện báo cáo Sở Y tế lãnh đạo địa phương và liên lạc với bệnh viện Bạch Mai đề nghị được hỗ trợ chuyên môn.

Đến đêm qua (29/5), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã ghi nhận 7 ca tử vong, 1 bệnh nhân nữ đang nguy kịch và 10 ca sốc phản vệ khác được luân chuyển về Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội để tiếp tục cấp cứu.

Đại diện của Bộ Y tế cho biết, sốc phản vệ chết 7 người ở Hòa Bình là tai biến y khoa đặc biệt nghiêm trọng.

Theo VTC

Các tin cũ hơn