Đề nghị cho tư nhân tham gia kinh doanh đường sắt

Thứ ba, 30/05/2017, 13:47
Góp ý cho Luật đường sắt, đại biểu Quốc hội kiến nghị nên khuyến khích đầu tư đối tác công tư, cho phép tư nhân tham gia nhiều hơn vào ngành kinh doanh đường sắt.

Sáng 30/5, Quốc hội thảo luận dự án Luật đường sắt (sửa đổi). Nhiều đại biểu kiến nghị nên cho phép các thành phần kinh tế khác tham gia vào kinh doanh đường sắt.

Đại biểu Nguyễn Văn Thể (Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng) đề nghị Luật đường sắt phải khuyến khích đầu tư đối tác công tư. Theo đó, quy định sẽ huy động nguồn lực trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư vào đường sắt. Ông Thể cũng cho rằng tập trung phát triển loại hình vận tải này sẽ làm giảm áp lực cho giao thông đường bộ.

Với các điểm dừng và nhà ga đường sắt, đại biểu Thể cũng đề xuất nên cho phép tổ chức thành các trung tâm thương mại. “Cái gì tư nhân làm được hãy cho phép tư nhân làm. Nhà nước không thể làm hết việc xây dựng đường sắt rồi kinh doanh nhà ga được”, ông Thể nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Thể đề xuất nên khuyến khích tư nhân đầu tư kinh doanh vào ngành đường sắt. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) kiến nghị bổ sung nội dung về xây dựng đường sắt khổ lớn dọc đất nước. Theo ông Nhưỡng, Tây Nam Bộ được coi là vựa lúa, vựa trái cây và hải sản của cả nước nhưng việc kết nối giao thông đường sắt rất hạn chế. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị tăng sự kết nối của hệ thống đường sắt quốc gia với các sân bay, cảng biển nhằm tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá.

Đại biểu Nhưỡng cũng cho rằng Luật đường sắt phải bổ sung chính sách an toàn, an ninh cao cho đường sắt. Bởi vì, hiện nay vận tải đường sắt vẫn tiềm ẩn nguồn nguy hiểm cao độ.

Phát biểu giải trình cuối phiên thảo luận, ông Trương Quang Nghĩa (Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) cho biết 100 năm trước Việt Nam là một trong những nước có hệ thống đường sắt phát triển. Tuy nhiên, sau 100 năm, đường sắt Việt Nam cứ kém dần đi.

Nguyên nhân được ông Nghĩa chỉ ra là tình trạng đầu tư hạn chế cho ngành. Giai đoạn 2011-2015, đầu tư cho đường sắt chỉ chiếm 3,18% cơ cấu đầu tư cho giao thông. Trong khi đó, đầu tư cho đường bộ chiếm tới hơn 88%.

“Đường sắt ít được quan tâm nên càng khó phát triển. Năm 2016, vận tải đường sắt với hàng hoá chỉ còn 0,4%. Đó là lý do dẫn đến chi phí vận tải ở nước ta rất cao so với thế giới”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nói.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích