|
Hai nhân viên thoát nước nạy nắp cống trên xa lộ Hà Nội, đoạn gần đầu cầu Rạch Chiếc (Q.Thủ Đức, TP.HCM) để nước rút bớt trong cơn mưa chiều 19-5 |
Nhiều người thắc mắc tại sao khu vực phía Đông có địa hình cao nhất TP.HCM mà cứ mưa là ngập?
Ngập từ đường đến nhà dân
Vừa đẩy xe bị chết máy qua đoạn đường ngập tại chân cầu Rạch Chiếc vào chiều 19-5, chị Nguyễn Thị Hồng Gấm (ngụ quận 9) cho biết đây là lần đầu tiên chị gặp cảnh này: càng đi tới nước ngập càng sâu, rồi sóng nước làm xe tắt máy.
Với đặc thù địa hình dốc nên ngập tại các khu vực trên nước thường chảy thành dòng xiết gây nguy hiểm cho người đi đường. Trước đây, trong lúc di chuyển trong cơn mưa lớn tại quận Thủ Đức và quận 9, hai người đã bị nước cuốn lọt xuống đường cống tử vong.
Tại quận 9, các đường Đỗ Xuân Hợp, Lã Xuân Oai, Lê Văn Việt và một số hẻm khác mỗi khi mưa nước không rút được, gây ngập hơn nửa bánh xe rồi tràn vào nhà dân. Nhiều người đi qua các khu vực này vật vã trong dòng nước, xe máy, ôtô chết máy hàng loạt.
Đặc biệt, đường Lê Văn Việt còn xảy ra hiện tượng sau khi mưa ngớt một lúc thì nước từ các cống thoát lại trào ngược lên chảy khắp đường, bốc mùi hôi.
Còn tại quận Thủ Đức, có 3 điểm ngập nặng trong mưa là đường Tô Ngọc Vân, giao lộ Võ Văn Ngân - Kha Vạn Cân và khu vực chân cầu Rạch Chiếc. Trong đó xa lộ Hà Nội, đoạn gần chân cầu Rạch Chiếc, là nỗi ám ảnh của người dân khi qua lại đây lúc mưa.
Nước ngập kéo dài từ trạm thu phí xa lộ Hà Nội đến chân cầu khiến hàng loạt xe chết máy. Người dân phải chạy vào làn đường dành cho ôtô để tránh, bất chấp nguy hiểm. Mỗi khi có xe lớn chạy qua, sóng nước đánh dạt làm người đi xe máy té ngã ngay trước đầu các loại xe hạng nặng.
Nhiều dự án chống ngập nằm chờ
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, phó chủ tịch UBND quận 9, cho biết nguyên nhân chính gây ngập các khu vực trên do địa hình quận có nhiều vùng trũng, thấp. Ngoài ra, tại địa bàn quận còn có hơn 140 tuyến đường chưa được đầu tư hệ thống thoát nước.
Đối với điểm ngập tại đường Đỗ Xuân Hợp, có dự án do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM thực hiện đã hoàn thành. Tuy nhiên, các cống thoát nước chưa được đầu tư theo đúng lộ giới quy hoạch 30m khiến hệ thống này vẫn chưa phát huy hết hiệu quả.
Mặt khác, khu vực trước UBND P.Phước Bình có cao độ thấp, hệ thống cống của khu vực có đường kính nhỏ nên khi mưa lớn nước chảy về nhanh cộng với triều cường khiến nước thoát không kịp gây ngập.
Hiện tại, UBND quận 9 đang phối hợp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thay thế, cải tạo một số nắp hầm ga thu nước trên đường Đỗ Xuân Hợp, cải tạo các miệng thu nước hiện hữu tại các tuyến đường giáp ranh với khu vực UBND P.Phước Bình để tăng khả năng thu nước.
Quận cũng cho nạo vét cống thoát nước và kênh rạch nhằm tăng khả năng thoát cho khu vực. Đồng thời, quận đã lập phương án thực hiện các biện pháp tách dòng, chia lưu lượng đối với hệ thống thoát nước trên đường Đỗ Xuân Hợp nhằm giải quyết ngập cho tuyến đường này.
Còn đối với đường Lê Văn Việt và Lã Xuân Oai, ngoài các giải pháp trước mắt như nạo vét cống, về lâu dài quận sẽ thực hiện các dự án nâng cấp, mở rộng đường Lê Văn Việt (đoạn từ ngã tư Thủ Đức đến Lã Xuân Oai) và nâng cấp, mở rộng đường Lã Xuân Oai.
Dự kiến 2 công trình này sẽ triển khai thi công trong năm 2018.
Để giải quyết tình trạng ngập ở quận Thủ Đức, đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận cho hay cần phải triển khai nhiều dự án. Tuy nhiên do kinh phí chống ngập lớn nên hầu hết dự án phải chờ được phê duyệt, cấp vốn, cộng với quy trình đầu tư nhiều khâu nên mất rất nhiều thời gian.
Cụ thể như dự án cải tạo rạch Cầu Ngang - đường thoát nước trục dài 816m nhằm kết nối hệ thống thoát nước hàng loạt đường ở quận đã được đề xuất gần 7 năm nhưng đến năm 2016 mới được cấp vốn để thi công.
Dự án này có 110m làm cống hộp (1,6 x 1,6m), đoạn làm mương hở với bề rộng hơn 10-15m, sâu 0,9m bắt đầu từ đường Phạm Văn Đồng chạy ra sông Sài Gòn, với tổng vốn 95 tỉ đồng. Hiện dự án đạt khoảng 50% tiến độ nhưng dọc tuyến còn vướng 16 hộ dân chưa đền bù giải tỏa.
Thủ Đức cần tiền làm thêm ít nhất 4 dự án Theo đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Thủ Đức, để giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước trên địa bàn quận cần phải triển khai ít nhất 4 dự án trọng điểm khác với tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỉ đồng. Trong đó, dự án thứ nhất giải quyết điểm ngập ở đường Tô Ngọc Vân, đoạn gần đường ray xe lửa. Dự án thứ hai giải quyết điểm ngập xung quanh khu phố 3, P.Linh Trung. Dự án thứ ba thoát nước rạch Bình Thọ. Dự án thứ tư giải quyết điểm ngập trên đường Võ Văn Ngân. “Trong các dự án trên, dự án chống ngập cho khu phố 3, P.Linh Trung được cấp vốn 30 tỉ đồng chuẩn bị đầu tư. Các dự án còn lại phải chờ UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư, HĐND TP thông qua danh mục đầu tư... nên mất thêm nhiều thời gian” - vị này cho biết. |
Theo TTO