Đừng đùa với thủy điện! Bài 1: Nhiều thủy điện, lắm nỗi lo

Thứ ba, 30/05/2017, 08:25
Từ khi các dự án thủy điện được triển khai tại các tỉnh miền Trung, người dân nơi đây đứng ngồi không yên bởi mùa nắng thì lo thiếu nước, mùa mưa thì lo ngập lụt do xả lũ. Nhiều hồ chứa lớn như những quả bom nước treo lủng lẳng trên đầu người dân vùng hạ du…

Sau khi nhường đất cho thủy điện chuyển đến nơi ở mới, đời sống của người dân huyện Tây Giang, Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn

Đảo lộn vì thủy điện

Nhóm tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa ra dẫn chứng cụ thể về 22 tác động tiêu cực từ dự án thủy điện A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Trong đó nổi bật là tình trạng mất đất, mất rừng, thiếu nước sinh hoạt, nhà tái định cư xuống cấp, người dân đi tái định cư nhường đất cho thủy điện ngày một nghèo đi.

Ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết A Sáp và A Đên là 2 làng mới thành lập phục vụ tái định cư cho 106 hộ dân thuộc các xã Sơn Thủy, Hồng Thượng và Hồng Thái phải di dời, nhường đất và nhà cửa cho dự án thủy điện An Lưới. Từ khi chuyển dân sang định cư ở làng mới nhưng đất dự phòng để sản xuất không có nên rất khó cho địa phương trong việc cải thiện đời sống của người dân ở 2 làng này”- Ông Đời nói.

Không có đất sản xuất, bà con sống trong các khu tái định cư phải mưu sinh bằng nhiều nghề khác, người đi lột vỏ tràm thuê, người đánh bắt cá ở lòng hồ thủy điện… Chị Kăn Dũng, ở khu tái định cư A Sáp nói: Nhà có 8 miệng ăn nên ngày nào không lên rẫy là mình phải đi làm bốc vác để kiếm tiền mua gạo. Mong mỏi của bà con ở đây bây giờ là được cấp đất sản xuất hoặc chi trả tiền chênh lệch đền bù để bà con phát triển sản xuất chăn nuôi, cải thiện cuộc sống.

Trong khi đó, theo ông Phạm Minh Cải, Chủ tịch UBND xã Nhâm, huyện A Lưới (địa phương có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện A Lưới) thì xã đã tiếp nhận hàng trăm đơn thư khiếu kiện của người dân liên quan đến vấn đề bồi thường, đền bù kể từ khi thủy điện A Lưới triển khai. Tình trạng đơn thư khiếu kiện vượt cấp kéo dài, dẫn đến mất an ninh trật tự tại địa bàn, song các cấp vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Đem những khó khăn của người dân đến gặp ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, thì được biết, thủy điện A Lưới khởi công từ năm 2007 và hoàn thành, phát điện từ năm 2012 đã ảnh hưởng trên 1.890ha đất rừng thuộc phạm vi 7 xã trên toàn huyện, với 1.381 hộ dân, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. UBND huyện A Lưới đã phối hợp với Công ty CP Thủy điện miền Trung (chủ đầu tư dự án thủy điện A Lưới) tiến hành phê duyệt giá trị hỗ trợ 50% tiền mặt và đã chi trả xong số tiền hơn 23,6 tỷ đồng cho 924 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp.

Về nhu cầu đổi 400ha đất sản xuất cho 924 hộ này, UBND huyện A Lưới cùng các sở, ngành liên quan của tỉnh qua nhiều lần làm việc đã tiến hành rà soát trên địa bàn 6 xã gồm: Hương Phong, Hồng Thái, Phú Vinh, Sơn Thủy, Hồng Thượng và Hồng Quảng, nhưng chỉ còn vỏn vẹn hơn 11ha đất sản xuất. UBND huyện đã báo cáo tình hình đền bù tái định canh, định cư thủy điện A Lưới, trong đó nêu rõ khó khăn về quỹ đất sản xuất của địa phương và đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương hỗ trợ bằng tiền mặt nhằm giúp bà con có điều kiện chuyển đổi sản xuất phát triển chăn nuôi, sớm ổn định cuộc sống.

Tương tự, hàng ngàn hộ dân các huyện miền núi Quảng Nam, mà chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số đã chấp nhận nhường cả nhà cửa lẫn vườn tược cho các dự án thủy điện, giờ toàn bộ diện tích đất sản xuất lúa nước, lúa rẫy, rẫy... mà họ đã bao đời khai hoang bỗng chốc chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện. Họ phải đến những nơi tái định cư với điều kiện sống khó khăn hơn vì không có đất sản xuất.

Không chỉ vậy, khi di dời đến nơi tái định cư, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc đã biến đổi một cách nhanh chóng, nhiều giá trị truyền thống đã mai một dần. lắm trong điều kiện cuả một bản tái định cư. Chưa kể, những đồng tiền từ việc đền bù, hỗ trợ của Nhà nước được người dân dùng mua sắm trang thiết bị không thực sự phù hợp với đời sống, dẫn đến việc khi nhà nước ngừng viện trợ, bà con sẽ còn gặp khó khăn hơn. Đây là tình trạng phổ biển ở các vùng triển khai dự án thủy điện tại miền Trung.

Thủy điện Đakrông 3 (Quảng Trị) xảy ra sự cố vỡ thân đập trước khi phát điện khiến người dân âu lo về chất lượng công trình

Trồng rừng thay thế trên… giấy

Các chuyên gia thủy lợi, kể cả các nhà quản lý ở Quảng Nam và Đà Nẵng đã từng đưa ra nhiều cảnh báo về khô hạn khắc nghiệt và lũ lớn trên hệ thống sông Vu Gia và Thu Bồn do con người tác động quá mạnh vào rừng. Tính đến tháng 4-2017, Quảng Nam đã mất 1.420,73ha diện tích rừng để chuyển mục đích sử dụng phục vụ cho thủy điện. Đặc biệt, tại các công trình thủy điện ở Quảng Nam như: Đắk Mi 4, Sông Tranh 2,… khi thi công công trình, chủ đầu tư đã bố trí tái định cư cho dân theo kiểu… dồn dân vào núi. Tại nơi ở mới, người dân không có đất sản xuất, đời sống khó khăn nên lại… tái nghèo, lại phá rừng làm rẫy.

Ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho biết, theo quy định, các dự án thủy điện làm mất đất rừng buộc phải trồng rừng thay thế. Thế nhưng, vấn đề là tỉnh Quảng Nam không tìm đâu ra đất để cấp nhằm mục đích trồng rừng thay thế, nên vẫn chỉ trồng... trên giấy.

Ông phân trần, các chủ đầu tư dự án thủy điện trên địa bàn “trồng rừng thay thế” bằng cách nộp tiền ủy thác cho Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam với tổng diện tích là 1.420,59ha. Song việc trồng rừng thay thế là rất khó vì không tìm đâu ra diện tích để trồng. Một số ý kiến đề xuất, thay vì trồng rừng trên núi thì bây giờ trồng rừng phòng hộ ven biển. Nhưng phương án này chưa được thống nhất.

Còn ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, diện tích rừng “còn nợ” cần phải tiếp tục trồng của dự án thủy điện Hương Điền là 260ha, thủy điện Bình Điền là 320ha và thủy điện A Lưới là 71ha. Trước mắt, các dự án thủy điện đã trồng thay thế được 167ha/270 các thủy điện phải trồng.

Số còn lại, các dự án thủy điện không thể trồng rừng được nên họ sẽ phải nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh để quỹ này tổ chức trồng rừng thay thế, với đơn giá 73 triệu đồng/ha. Tổng số tiền dự tính cả 3 thủy điện này phải nộp là hơn 48 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có đơn vị nào nộp tiền trồng rừng thay thế dù quy định là cuối năm 2016.

Ngoài việc góp phần làm suy giảm chất lượng nguồn nước, các chuyên gia của mạng lưới sông ngòi Việt Nam còn đưa ra dự báo rằng các hồ chứa thủy điện sẽ làm thay đổi chế độ dòng chảy, suy giảm đa dạng sinh học và tài nguyên sinh vật vùng hạ lưu. Bên cạnh đó, các công trình thủy điện Bình Điền, Hương Điền đều không có thiết kế cống xả cát đáy nên một lượng lớn bùn cát, phù sa bị giữ lại trong lòng hồ. Điều đó không chỉ làm giảm tuổi thọ của hồ chứa mà còn gây ra tình trạng thiếu hụt phù sa, bùn cát ở hạ lưu, gây ảnh hưởng đến hình thái và sinh kế của người dân cũng như dẫn đến tình trạng khủng hoảng nguồn tài nguyên cát sỏi.

Tụt giảm mạch nước mặt và nước ngầm bất thường

Không những âu lo khi lần lượt trải qua gần 20 trận động đất, người dân các xã Hồng Thái, Phú Vinh, Hồng Thượng của huyện A Lưới là những địa phương lân cận thủy diện A Lưới còn đối mặt với tình trạng tụt giảm mặt nước ngầm và khi mưa xuống là ngập lụt.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới thừa nhận, trước năm 2012 chưa xây dựng đường hầm dẫn nước thủy điện A Lưới, các khe suối, hồ cá và giếng khơi trong vùng dồi dào nước. Trước mắt, Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp cơ quan chức năng khảo sát, lấy mẫu nước tại xã Phú Vinh và kiến nghị cần có các dự án nghiên cứu về vấn đề mất nước mặt và tụt giảm nước ngầm từ 2-3m tại huyện A Lưới.

Riêng động đất xảy ra liên tục là hiện tượng rất lạ, khiến bà con hoang mang. Chỉ biết chờ kết luận từ phía cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học nên cũng chẳng biết phải giải thích thế nào để người dân an tâm tiếp tục sản xuất…

Theo SGGP

Các tin cũ hơn