|
Đập Mạn Loan của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mê Kông |
Trong hai ngày 29 và 30.5, Trường ĐH Cần Thơ sẽ phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển, Trung tâm con người và thiên nhiên, Diễn đàn Các nhà báo môi trường VN tổ chức hội thảo “Thách thức an ninh nguồn nước Mê Kông và câu chuyện ở ĐBSCL - VN”. Đây là diễn đàn đối thoại đa phương giữa chuyên gia, báo giới và cộng đồng nhằm đưa ra góc nhìn mới về các nguy cơ an ninh môi trường do biến đổi khí hậu và các dự án phát triển vùng thượng nguồn gây ra.
Trong những năm trở lại đây, ĐBSCL ngày càng trở nên dễ tổn thương trước các tác động từ hiệu ứng thời tiết cực đoan bởi biến đổi khí hậu. Sự thay đổi mạnh mẽ chế độ mưa hằng năm, gia tăng triều cường vùng cửa sông và ven biển, cùng với gia tăng nhiệt độ mau chóng đã tạo ra sự thiếu hụt nguồn nước mặt, sụt giảm lượng nước ngầm và tăng cường diện tích “mặn hóa” do xâm nhập mặn. Quan ngại hơn, sự phát triển ồ ạt thiếu bền vững của hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn dòng chính sông Mê Kông khiến vấn đề an ninh nguồn nước ở hạ châu thổ sông nói chung và ĐBSCL của VN nói riêng càng trở nên bức bách.
Chặt nát dòng sông
Trong thư gửi đến PV, chuyên gia về quản lý tài nguyên thiên nhiên tại Viện Công nghệ châu Á (Thái Lan) Nophea Sasaki cho biết ngư dân Campuchia đang bị ảnh hưởng nặng nề vì các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông. Hàng triệu người nước này đang sinh sống bằng cách đánh bắt trên dòng sông và hồ Tonle Sap nhưng nguồn cá cung cấp khoảng 1/3 thực phẩm cho hơn 15 triệu dân cả nước đang sụt giảm nghiêm trọng.
“Chỉ riêng về mặt sinh thái, các hoạt động ở thượng nguồn như việc xây đập gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loài thủy sản cần vùng nước rộng lớn để di cư và sinh sản. Bất cứ hoạt động ngăn dòng chảy nào cũng góp phần làm suy thoái hệ sinh thái”, ông cảnh báo. Không chỉ ở Campuchia, lo ngại đang lan rộng toàn khu vực khi sự can thiệp vào dòng chảy sông Mê Kông đang tiếp diễn bất chấp cảnh báo của giới khoa học.
Hệ thống đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông – màu đen: đã xây dựng; màu xám: đang xây dựng; màu trắng: dự kiến |