Cộng đồng quốc tế và Việt Nam cùng ký tên kêu gọi bảo vệ sông Mê Kông

Thứ hai, 29/05/2017, 13:28
Thông điệp được các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đưa ra là "Hãy chung tay cứu lấy dòng sông Mê Kông và nông dân của chúng ta".

Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg và Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ Hà Thanh Toàn ký tên kêu gọi bảo vệ sông Mê Kông

Hội thảo “Thách thức an ninh nguồn nước Mekong và câu chuyện ở ĐBSCL – Việt Nam” được tổ chức tại Cần Thơ từ ngày 29.5 nhằm đưa ra góc nhìn mới về các nguy cơ an ninh môi trường do biến đổi khí hậu và các dự án phát triển vùng thượng lưu sông gây ra.

Hội thảo do Đại học Cần Thơ phối hợp với Đại sứ Quán Thụy Điển, Trung tâm Con người và Thiên nhiên và Diễn đàn Các nhà báo môi trường VN tổ chức. Gần 200 đại biểu tham dự hội thảo, trong đó có nhiều đại diện tổ chức quốc tế, cán bộ - giảng viên các viện, khoa, trường cao đẳng, đại học phía nam, lãnh đạo địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí, đài truyền hình trong nước và 13 phóng viên từ các nước Thụy Điển, Myanmar, Campuchia, Thái Lan và Lào.

TS Hà Thanh Toàn, hiệu trưởng Đại học Cần Thơ chia sẻ rằng ĐBSCL nằm ở tận cùng sông Mê Kông vốn trù phú và tồn tại nhờ sự bồi đắp không ngừng của phù sa và lượng dinh dưỡng dồi dào của dòng sông mẹ, nhất là vào mùa lũ hàng năm. Nhờ đó, hàng thập niên qua, ĐBSCL đã trở thành vựa lúa lớn nhất Việt Nam và là nguồn tài nguyên sinh vật dồi dào nuôi sống cho gần 20 triệu dân trong vùng.

Tuy nhiên, TS Toàn cảnh báo rằng trong những năm trở lại đây, ĐBSCL ngày càng trở nên mong manh và dễ tổn thương trước các tác động từ hiệu ứng thời tiết cực đoan gây ra bởi hiện tượng biến đổi khí hậu. “Bất chấp quan ngại gia tăng trong cộng đồng ở hạ nguồn và thiệt hại to lớn, các dự án xây đập và chuyển dòng vẫn đang tăng tốc nhanh hơn cả việc đánh giá tác động môi trường về các tác động xuyên biên giới”, TS Toàn quan ngại.

TS Dương Văn Ni tại Đại học Cần Thơ cho biết khô hạn và xâm nhập mặn đã gây hại cho 500.000ha lúa nước, thiệt hại 200.000 tấn lúa và khoảng 50 triệu USD trong năm 2015-2016.

“Đây là hậu quả của việc con người tác động vào dòng chảy sông Mê Kông khiến cả vùng lưu vực đang đứng trước nguy cơ thiệt hại vô cùng to lớn”, ông nhận định.

Theo TS Toàn, cần tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin để cùng sử dụng nguồn nước sông Mê Kông vì sự phát triển bền vững của khu vực. “Người dân vẫn chưa có nơi để lên tiếng bày tỏ quan ngại khi bị ảnh hưởng bởi việc xây đập và các dự án chuyển dòng ở Trung Quốc, Lào và Thái Lan”, ông cho biết thêm.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích
  • KQXS XSTD trực tiếp