Sốc phản vệ phần lớn do thuốc
Sự việc 7 bệnh nhân tử vong khi chạy thận tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đang khiến dư luận xôn xao.
Trao đổi thêm với Đất Việt về vấn đề này, bác sĩ Võ Xuân Sơn - Phòng khám đa khoa Quốc tế EXSON (TP.HCM) khẳng định, việc các bệnh nhân tử vong cùng một thời điểm khi chạy thận là một hiện tượng bất thường và hy hữu từ trước đến nay.
Về nghi vấn các nạn nhân tử vong do sốc phản vệ, bác sĩ Sơn cho rằng cần phải có một hội đồng để tìm hiểu, đánh giá cũng như xem lại thuốc, hóa chất đã sử dụng cho các bệnh nhân.
“Chuyện này quá hy hữu. Dù là Bệnh viện của tỉnh nhưng Bộ Y tế phải vào cuộc điều tra và kết luận cụ thể.
Một trong những cái dễ gây sốc phản vệ nhất là thuốc đưa vào qua đường máu, đường tĩnh mạch hoặc động mạch.
Chuyện tìm ra được nguyên nhân hay không thì tôi không dám chắc vì trong y tế có những câu chuyện từ hàng mấy trăm năm đến nay không thể giải thích được. Theo tôi để làm rõ nghi vấn cần phải giải phẫu tử thi của 6 người kia để xem chết cùng một nguyên nhân hay không”, bác sĩ Sơn nhấn mạnh.
Các bệnh nhân còn lại đã được chuyển ra Hà Nội để điều trị theo dõi. |
Thông tin thêm, bác sĩ Nguyễn Thị Thảo (hiện đang công tác tại một Bệnh viện tại Thanh Hóa) cho biết sốc phản vệ là một dạng dị ứng.
Nguyên nhân sốc phản vệ thì có rất nhiều nhưng phần lớn là do thuốc. Các thuốc tiêm, truyền trực tiếp vào tĩnh mạch có thể gây ra hiện tượng sốc phản vệ.
Có trường hợp bác sĩ biết nhưng vẫn không cấp cứu được vì nó diễn biến quá nhanh. Đa phần là các thuốc kháng sinh dòng beta lactam, penicillin...
“Hiện tượng sốc phản vệ có thể gặp ở 1-2 trường hợp, hiếm có trường hợp nào cả 18 bệnh nhân đang lọc mà xảy ra biến chứng. Việc này lạ và hết sức bất thường”, bác sĩ Thảo chia sẻ.
Đình chỉ hoạt động khoa Thận
Cũng liên quan đến vụ việc này, tối 29/5, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã tổ chức họp báo thông tin cụ thể về việc các bệnh nhân chạy thận đột ngột tử vong.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đây là trường hợp tai biến y khoa nghiêm trọng. Ông Khuê yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình chỉ đạo lực lượng tập trung cứu chữa các bệnh nhân.
TS. Trương Quý Dương - giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. |
“Hiện tại, tạm đình chỉ hoạt động của khoa Thận nhân tạo để giải quyết các vấn đề liên quan”, ông Khuê nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình thông tin, sáng 19/5, tại khoa Thận nhân tạo có 18 máy chạy thận cho 18 bệnh nhân bị suy thận mãn. Tuy nhiên sau 45 phút chạy thận, một số bệnh nhân bị khó thở, buồn nôn, đau bụng…
Trước tình huống trên, khoa đã cho dừng chạy thận và báo các sự việc đến lãnh đạo Bệnh viện, Sở Y tế. Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã huy động bác sĩ hồi sức cấp cứu hồi sức tích cực cho các bệnh nhân, đồng thời báo cáo Bộ Y tế, xin chỉ đạo và hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Bạch Mai.
Sự việc khiến 6 bệnh nhân tử vong. Đến khoảng 23h ngày 29/5, 1 bệnh nhân 60 tuổi đã tử vong, nâng số người tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình lên 7 người.
Bệnh viện đã phối họp cùng cơ quan công an niêm phong máy móc và trang thiết bị, thuốc men của khoa Thận nhân tạo. Bên cạnh đó Khoa Thận nhân tạo đã tạm thời dừng tiếp nhận bệnh nhân.
Chưa thể kết luận nguyên nhân
Phát biểu tại buổi họp, ThS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đến thời điểm này, 10 nạn nhân ở tình trạng nhẹ, đã ổn định. 2 bệnh nhân nặng được các bác sỹ theo dõi bằng mọi biện pháp để hỗ trợ.
Trả lời báo chí về nguyên nhân sốc phản vệ tại buổi họp báo, ông Nguyên cho biết nguyên nhân thì có nhiều và hiện tại các bác sĩ chưa kết luận được nguyên nhân nào.
Theo ông Nguyên, việc điều trị hiện theo phương pháp bao vây, bệnh nhân bị sao các bác sĩ điều trị ngay là giải pháp hiện nay.
“Bệnh viện Bạch Mai đã mang phương tiện cùng thuốc men và hiện đang theo dõi các bệnh nhân chặt chẽ”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, nhận định đây là một tai biến y khoa nghiêm trọng xảy ra trong lọc máu và là bài học đau xót cho những người làm chuyên ngành.
“Chúng tôi hy vọng sớm tìm ra nguyên nhân”, TS Dũng nói.
Ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình thừa nhận đây là sự cố y khoa, có trách nhiệm rất lớn của ngành y tế tỉnh nhà. 10 bệnh nhân còn lại đã được đưa ra xe cứu thương để chuyển về Hà Nội điều trị.
Theo Đất Việt