Giám đốc bệnh viện nhận trách nhiệm vụ 7 người tử vong khi chạy thận

Thứ ba, 30/05/2017, 10:33
"Hàng chục năm nay, chưa từng có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra với mức độ nghiêm trọng như lần này", Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình Trương Quý Dương nói.

9h ngày 30/5, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức họp báo thông tin vụ hàng loạt bệnh nhân tử vong trong quá trình điều trị lọc máu chu kỳ, xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh này vào chiều một ngày trước.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, chủ trì buổi họp báo. Hàng chục phóng viên từ nhiều cơ quan báo chí từ Hà Nội tham dự buổi họp về tai biến y khoa nghiêm trọng này.

Ngoài ra, buổi thông tin báo chí có sự tham dự của đại diện Công an tỉnh, Sở Y tế tỉnh và các cơ quan chức năng khác.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Hoàng Lam.

Tai nạn nghiêm trọng nhất hàng chục năm qua

Ngay từ đầu buổi họp, bác sĩ Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, đã đứng lên xin nhận trách nhiệm về sự cố đáng tiếc. Thay mặt cán bộ công nhân viên bệnh viện, ông Dương gửi lời xin lỗi chân thành đến gia đình và các bệnh nhân gặp tai nạn. Qua đó, ông gửi lời chia buồn sâu sắc đến thân nhân các bệnh nhân đã qua đời.

"Hàng chục năm nay, chưa từng có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra với mức độ nghiêm trọng như lần này, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình", ông Dương nói.

Cùng với UBND tỉnh, bệnh viện đã hỗ trợ gia đình có người chết 5 triệu đồng/người, gia đình người đang cấp cứu 2 triệu đồng/người.

Sau sự việc xảy ra, lãnh đạo bệnh viện một mặt tích cực cấp cứu cho những người còn sống, mặt khác củng cố tinh thần, tâm lý đội ngũ y bác sĩ trong đơn vị.

"Hôm qua, rất nhiều cán bộ của bệnh viện đã khóc khi sự cố xảy ra. Các y bác sĩ đều coi bệnh nhân như người nhà, tuy nhiên tai nạn xảy ra quá đột ngột", ông Dương bày tỏ.

Còn ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình, thì cho biết đơn vị sẽ nhanh chóng thành lập tổ công tác để thanh tra, xử lý toàn bộ sự cố y khoa. "Về mặt chuyên môn, chúng tôi đánh giá đây là tai biến y khoa đáng tiếc", ông Khánh đánh giá.

Ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình . Ảnh: Hoàng Lam.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình, sau khi làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế, tỉnh Hòa Bình thống nhất để 10 bệnh nhân lọc thận còn lại tiếp tục điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai. Các bệnh nhân chạy thận nhân tạo còn lại ở Hòa Bình sẽ được chuyển về Bệnh viện thận ở Hà Nội để tiếp tục chữa trị, đảm bảo an toàn.

Kết thúc khám nghiệm, xem xét trách nhiệm cá nhân

Công an tỉnh Hòa Bình cho hay ngay sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh, Công an tỉnh đã phân công lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại nơi xảy ra sự cố...

Ngay sau đó, Công an tỉnh báo cáo Bộ Công an để phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, Trung tâm pháp y tập trung khám nghiệm tử thi đối với 7 nạn nhân tử vong. Ngoài ra, lực lượng chức năng đã niêm phong, khám nghiệm hiện trường phục vụ công tác điều tra.

"Công tác khám nghiệm tử thi đã kết thúc vào rạng sáng nay, 30/5, thi thể các nạn nhân tử vong đã được bàn giao cho gia đình mai táng", Phó giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình công bố.

Theo Công an tỉnh, các đơn vị nghiệp vụ sẽ tiếp tục điều tra nguyên nhân sự cố, xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan.

Sau khi nghe báo cáo từ các đơn vị liên quan, Chủ tịch tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang đánh giá, vụ việc là sự cố y khoa nghiêm trọng và đề nghị Sở Y tế tỉnh Hòa Bình phối hợp Bộ Y tế, nhanh chóng tìm ra nguyên nhân.

Sáng 29/5, sau khoảng 45 phút chạy thận ở Khoa Thận nhân tạo bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, 18 bệnh nhân suy thận mãn xuất hiện tình trạng khó thở, buồn nôn, đau bụng... Bệnh viện huy động bác sĩ hồi sức cấp cứu tích cực cho bệnh nhân, đồng thời báo cáo Bộ Y tế và xin hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Tính đến 23h cùng ngày, 7 bệnh nhân đã tử vong nghi do sốc phản vệ. Một bệnh nhân nặng khác chưa thể chuyển về Bệnh viện Bạch Mai trong đêm do tiên lượng xấu.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhận định sự cố sốc phản vệ tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình là tai biến y khoa nghiêm trọng.

Trong đêm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có mặt tại Hòa Bình chỉ đạo ngành y tế và địa phương nỗ lực bằng mọi cách cứu chữa cho bệnh nhân, đồng thời thăm hỏi, động viên người nhà những người bệnh trong vụ tai biến y khoa.

Khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã niêm phong toàn bộ đơn nguyên thận nhân tạo - nơi các bệnh nhân điều trị ban đầu - để phục vụ công tác điều tra. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc làm nguyên nhân sự việc.

Xử lý vụ 7 người chết khi chạy thận thế nào?

Để xác định nguyên nhân 7 bệnh nhân bị tử vong, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật Nguyên Anh, cho rằng cần thành lập Hội đồng chuyên môn giải phẫu tử thi làm rõ. Kết luận của cơ quan chuyên môn sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Theo quan điểm luật sư, nếu bác sĩ điều trị không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình được qui định tại Quyết định 3931/QĐ-BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về thận - tiết niệu được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới các bệnh nhân tử vong thì sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự 1999. Ngoài ra, bác sĩ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tính mạng cho các nạn nhân. Do bác sỹ làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nên khi hậu quả xảy ra, bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường cho bệnh nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.

Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ 7 năm đến 15 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo Zing

Các tin cũ hơn