|
Bác sĩ Trung tâm dị ứng - miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai khám cho một người bệnh thuộc diện hỗ trợ BHYT ở Thái Bình |
Nhiều loại bệnh nặng như ung thư, nhiễm trùng máu, nhồi máu cơ tim, suy thận mãn khi mắc phải, chi phí điều trị lên tới hàng trăm triệu đến 1 tỉ đồng/năm. Nhiều người khá giả cũng đau đầu vì chi phí trị bệnh quá tốn khi không có BHYT.
Giá nhiều dịch vụ sẽ tăng 30 - 50%
Khoa C9 Viện Tim mạch quốc gia đang điều trị cho một bệnh nhân nữ khá giả bị suy thận kèm suy tim, phải ra vào viện liên tục nên chi phí điều trị rất lớn. Hiện người bệnh được hưởng BHYT 20 ngày/tháng, 10 ngày còn lại phải đóng viện phí.
Theo các bác sĩ, người bệnh này phải chuyển viện nhiều lần, mức viện phí cao, BHYT chi trả được ở mức này. Người bệnh này chưa phải là người phải đóng viện phí ở mức “khủng” nhưng đã đóng khoảng 6 triệu đồng/ngày, từ 24-5 khi vào viện đến nay (5 ngày) đã phải chi trả viện phí là 30 triệu đồng. Ở khoa C9 hiện có 2 người bệnh không có BHYT, trong khi điều trị tim mạch chi phí rất cao.
Mới đây, bà L.T.B. (50 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) được chuyển đến khoa điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng chân tay yếu dần rồi bị liệt do bệnh viêm đa rễ thần kinh sau khi bị cúm.
Bác sĩ Nguyễn Quỳnh Phương (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay khoa đang điều trị cho bà B. bằng thay huyết tương, khi người bệnh đỡ hơn sẽ kết hợp tập phục hồi chức năng.
"Người bệnh đã được thay huyết tương 6 lần, chúng tôi dự định sẽ thay khoảng 10 lần. Lúc mới vào bà B. rất bi quan, sau này bệnh có tiến triển tốt hơn nên bà rất hợp tác điều trị. Nhưng người bệnh này phải chi trả rất nhiều tiền vì không có BHYT, mỗi lần thay huyết tương tốn 15-20 triệu đồng" - bác sĩ Phương cho hay.
Bà L.T.B. chỉ là một trong khoảng hơn 100 người bệnh nặng không có BHYT đang điều trị nội trú ở Bệnh viện Bạch Mai. Theo thống kê sơ bộ, gia đình bà B. đã phải nộp xấp xỉ 200 triệu đồng chữa bệnh trong thời gian ngắn.
Một người bệnh khác tên Ch. ở Khánh Hòa ra Nam Định làm nghề tự do. Ch. bị thoát vị bẹn biến chứng, ổ thoát vị nhiễm trùng khiến bị sốc và nhiều biến chứng khác.
Ch. cũng không có BHYT và viện phí cho đến một tuần trước đây đã là 400 triệu đồng - nhân viên công tác xã hội của Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Mức viện phí kể trên là tính ở thời điểm hiện nay, còn sau ngày 1-6 khi mức viện phí tăng (giá nhiều dịch vụ y tế như tiền công khám, tiền ngày giường, chi phí ca phẫu thuật, thủ thuật sẽ đều tăng), mức tăng phổ biến khoảng 30-50% so với hiện hành.
Không có BHYT sẽ càng khó khăn
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền - phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, từ tháng 3-2016 bệnh viện đã áp dụng mức viện phí này với người bệnh có BHYT. Trong hơn 1 năm qua, tổng chi mà BHYT chi trả cho bệnh viện có tăng khoảng 10%.
Theo ông Hiền, mức tăng này chủ yếu là tăng ở giá dịch vụ kỹ thuật, còn lại 60-65% chi phí y tế là tiền thuốc và vật tư y tế vẫn giữ ổn định. Điều này chứng tỏ mức tăng giá dịch vụ kỹ thuật khá cao và khi áp dụng với người bệnh chưa có bảo hiểm, nhiều người sẽ khó khăn.
Ông Hiền cho biết người chưa có bảo hiểm chiếm khoảng 20% người điều trị nội trú, nhiều người trong số này bệnh nặng, chi phí lớn, có người không có khả năng chi trả. Sau ngày 1-6, Bạch Mai sẽ áp dụng viện phí mới, những người bệnh này sẽ càng khó khăn hơn.
Thông tin từ Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế, sẽ có khoảng 50 bệnh viện đầu tiên áp dụng viện phí mới từ 1-6. Đây là những bệnh viện đã thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn. Khoảng 1.200 bệnh viện còn lại sẽ lần lượt áp dụng mức thu mới, tùy khả năng của địa phương và nhóm muộn nhất là tháng 12-2017 mới thu viện phí mức mới. Tuy nhiên, dù có được tạm hoãn thì muộn nhất là tháng 12 tới toàn quốc áp dụng viện phí mới.
Hà Nội còn 18% người dân chưa có BHYT Theo ông Nguyễn Đức Hòa - phó giám đốc phụ trách Bảo hiểm xã hội Hà Nội, vẫn còn 18% dân số Hà Nội chưa có BHYT. "Người chưa có BHYT thuộc ba nhóm: người có thu nhập trung bình trở lên, lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và học sinh sinh viên"- ông Hòa cho biết. |
Theo TTO