Luật trẻ em có hiệu lực chính thức từ ngày 1/6, nghiêm cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ (từ 7 tuổi trở lên) và của cha, mẹ, người giám hộ trẻ.
Thông tin này nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, bởi trong xã hội hiện đại, việc đăng tải hình ảnh của con lên Facebook đã trở thành một phần cuộc sống của nhiều cha mẹ.
Zing.vncó cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty Luật Bảo An (Đoàn Luật sư Hà Nội) - xung quanh vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về Luật trẻ em sắp có hiệu lực từ ngày 1/6?
- Tôi hoàn toàn đồng ý với quy định này. Bản thân đứa trẻ chưa nhận thức rõ tác hại khi người lớn đưa hình ảnh của chúng lên mạng. Do vậy, pháp luật phải bảo vệ trẻ cho đến khi trưởng thành, có khả năng tự bảo vệ, quyết định quyền nhân thân của trẻ. Vấn đề này, bản thân nhiều cha mẹ cũng chưa ý thức hết được hệ lụy.
Có thể nói hầu hết việc đưa ảnh con cái lên mạng không gây hậu quả và càng hiếm khi gây hậu quả ngay lập tức nên mọi người đều chủ quan. Nhưng khi xảy ra thì quá muộn, phụ huynh rất khó kiểm soát sự an toàn của trẻ.
Chỉ lúc có vụ việc chấn động liên quan việc đưa ảnh con cái lên mạng, người lớn mới ý thức hơn, xác định được tính chất nguy hiểm mà họ đã làm cho con mình.
Qua các thông tin trên mạng, tội phạm có thể hình dung toàn cảnh về đứa trẻ, học trường nào, bố mẹ là ai, gia đình ở đâu, điều kiện kinh tế thế nào, bố đang đi công tác hay ở nhà, từ đó thực hiện hành vi phạm tội như tống tiền, bắt trẻ bán ra nước ngoài...
Ông Vũ Tiến Vinh, Giám đốc Công ty Luật Bảo An (Đoàn Luật sư Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
- Nhiều người băn khoăn về tính hiệu quả của luật khi triển khai vào thực tế. Quan điểm của ông thế nào?
- Luật quy định thì khá rõ, không cần hướng dẫn gì thêm. Tuy nhiên, thói quen của cha mẹ và người thân thích của trẻ trong một thời gian dài đã quen với việc đưa ảnh con trẻ lên mạng. Do vậy, để đưa luật vào cuộc sống cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người sử dụng mạng xã hội để họ tự giác điều chỉnh hành vi.
Việc xử phạt thời gian đầu sẽ gặp rất khó khăn bởi tình trạng đưa ảnh con trẻ lên mạng đã quá phổ biến, thậm chí phạt không xuể. Do vậy, công tác tuyên truyền được ưu tiên triển khai. Việc xử phạt cần áp dụng đối với các chủ thể cố tình vi phạm, tái phạm.
- Ông có lời khuyên gì với phụ huynh để phân định rõ ranh giới giữa phạm luật và không phạm luật khi đăng hình ảnh của con lên mạng?
- Luật đã quy định rõ là đối với việc đưa thông tin cá nhân của trẻ lên mạng thì phải được sự đồng ý của trẻ (nếu trẻ trên 7 tuổi) và của cha, mẹ, người giám hộ trẻ. Nếu chưa được sự đồng ý, người lớn vẫn làm là phạm luật.
Tuy nhiên, việc phạm luật hay không đó chỉ là quan hệ giữa người vi phạm với Nhà nước, mục tiêu chính của đạo luật này là bảo vệ trẻ em chứ không nhằm hướng tới việc xử phạt.
Do vậy, cha mẹ phải tự nhận thức việc làm của mình có nguy hiểm cho con không kể cả khi trẻ đồng ý. Nếu có thể nguy hiểm, phụ huynh nhất quyết không làm. Điều này cũng tương tự quy định về đội mũ bảo hiểm. Không đội có thể bị xử phạt vài trăm nghìn nhưng nếu bị tai nạn (trong mức chịu đựng vật lý của mũ), người không đội không còn cơ hội sửa sai.
Do vậy, đạo luật này là phù hợp và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Từ ngày 1/7, Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều hướng dẫn thi hành luật trẻ em cũng sẽ có hiệu lực.
Nghị định quy định rõ thông tin bí mật đời tư của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, địa chỉ thông tin về trường lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em.
Theo Zing