Thưa các cô chú anh chị!
Cháu năm nay 28 tuổi, có trình độ đại học, nói thông thạo 2 ngoại ngữ Anh, Pháp, có ý chí cầu tiến và vượt qua nhiều khó khăn để có được công việc và điều kiện sống tương đối như bây giờ. Cháu cũng có ngoại hình tương đối, gương mặt được nhiều người nói là phúc hậu, có duyên ngầm. Khi còn nhỏ có nhiều người khen cháu xinh xắn. Chắc cô chú anh chị có thể rất buồn cười khi cháu nói rằng cho đến bây giờ cháu vẫn chưa có ý trung nhân, chưa có người nào yêu thương thật lòng, mặc dù cháu chẳng kén chọn hay quá khó tính.
Từ trước đến nay, cháu cũng quen biết với một số bạn trai, bạn học cùng lớp ở đại học, bạn học chung lớp ngoại ngữ, đồng nghiệp, bạn quen ở các câu lạc bộ ngoại ngữ… Có khá nhiều người trong số đó để ý đến cháu, muốn kết làm bạn thân, cũng lần lượt có nhiều người muốn làm bạn trai của cháu và nghĩ đến chuyện lâu dài. Nhưng mà các cô chú anh chị có biết không, hoàn cảnh của cháu khiến cho những người đó “chạy dài” một cách lạnh lùng, không một lời từ giã, hoặc là tế nhị, từ từ xa lánh.
Số là, cha mẹ cháu đã chia tay nhau từ khi cháu 5 tuổi. Cha cháu thì bị khiếm thị. Cháu có một em trai vì không chịu cảnh sống chung với mẹ ghẻ nên chơi bời lêu lỏng, và cuối cùng là phạm trọng tội phải ngồi tù gần 8 năm. Gia đình cháu ly tán mỗi người một nơi, mẹ cháu chung sống với vài người đàn ông, rồi sau cùng cũng chia tay. Cha cháu cưới thêm vợ khác khi cháu 8 tuổi. 8 tuổi cháu đã phải đi chợ, rửa chén, nấu cơm, quét nhà. 11 tuổi thì đi chợ Cầu Muối mua cóc ổi, bánh kẹo về chế biến và bán tại nhà buổi trưa đến chiều, buổi sáng cũng ra chợ bán xà bông, hành ngò, tiêu đường, khoai lang, chuối luộc. Tầm 4-5h chiều cháu bưng mâm khoai lang chuối luộc và đậu phộng ra sân ga để bán. Vậy mà cuối năm lớp 5, cháu cũng được học sinh giỏi, xếp thứ 2 lớp và được chọn vào lớp chuyên thời cấp II.
Ba cháu tuy có vợ khác, nhưng cũng khá thương chúng cháu, cho cháu đi học tiếng Anh vì ý thức được thời cuộc. Nhờ vậy mà cháu được đi thi tiếng Anh cấp quận hồi cấp 2 và đạt thứ hạng khá cao.
Tuy nhiên ba cháu lại không bảo vệ chúng cháu khi mẹ kế bon chen ganh ghét và xúc xiểm bọn cháu. Mẹ kế cháu không độc ác như dì ghẻ trong Tấm Cám hay cô bé lọ lem, hay hãm hại, giết chết con chồng như trên các báo đưa tin gần đây, nhưng lại nhỏ nhen, hay so bì khi ba cháu cho cháu tiền ăn học, thỉnh thoảng lại còn chửi mắng, dùng ngôn ngữ thô tục, xoi mói những lỗi lầm nhỏ nhặt nhất của chúng cháu để la lối.
Cháu không dám nói rằng cháu là một đứa bé hoàn toàn ngoan ngoãn, cháu cũng có lúc nói năng không lễ phép với mẹ kế, cũng trả lời lại khi bà nói điều gì mà cháu nghĩ là oan ức cho cháu. Nhưng lúc ấy cháu còn bé và chưa ý thức được hành động của mình. Hơn nữa, lại không có được sự giáo dục của mẹ từ nhỏ nên có thể cô chú anh chị hiểu được là cháu cần được dạy dỗ khuyên răn hơn là mắng nhiếc phải không ạ. Có thể nói tuổi thơ của cháu rất buồn tủi, trong cuộc sống không có tình yêu thương.
Cháu sống với mẹ ghẻ đến năm 16 tuổi thì chịu không nổi và tìm về nhà bà ngoại. Bà ngoại không nuôi nổi nên khuyên cháu tìm đến nhà cô, là chị cùng cha khác mẹ với ba cháu. Lúc trước cô có nhu cầu nuôi con cháu của anh chị em họ hàng nghèo hơn, để những người này phụ giúp cô lo nhà cửa và buôn bán. Lúc này cô cháu đã có người giúp việc, nhưng cũng nhận nuôi cháu, chắc vì thấy tội nghiệp. Cháu được ở đó ăn học và phụ giúp cô vào những giờ không đi học.
Nhưng mà ở nhà này cháu có những hành động thiếu khôn ngoan, thiếu suy nghĩ làm cho nhà cô không vui và hiểu lầm cháu là một đứa bé ranh ma, ghê gớm. Đến khi cháu thi xong tú tài, cô cháu nhất định không cho cháu học đại học, sợ cháu thi đại học lại tiếp tục ở nhà cô thêm vài năm và cô lại phải nuôi cơm cháu (dù rằng lúc này cháu đã cố gắng làm hết việc nhà vì chị giúp việc đã nghỉ, và cháu có nói cho cô biết là chi phí học đại học cô không phải lo, vì có một tổ chức từ thiện hứa cho cháu tiền học phí nếu cháu thi đỗ).
Thế là cháu bỏ thi một năm, đi làm thêm các nghề: phục vụ nhà hàng, nhân viên bán hàng, tiếp tân khách sạn (lúc này cháu giao tiếp tương đối khá tiếng Anh), buổi tối học lớp thư ký giám đốc. Năm tiếp theo cháu thi đại học, nhưng vì không tập trung ôn bài, vừa học vừa làm, lại lo lắng, buồn phiền nên chỉ đậu được vào trường dân lập. Được tổ chức từ thiện mà đại diện là một nữ tu đỡ đầu, cháu được bước chân vào giảng đường, điều mà cháu đã mơ ước từ rất lâu. Nữ tu này còn đưa cháu về ở tại một ngôi nhà cũ chung với các bạn hoàn cảnh khó khăn khác. Cuộc sống một thân một mình, không gia đình, học nửa buổi, đi làm thêm nửa buổi, tuy vất vả nhưng cháu cũng qua được bốn năm đại học, và tốt nghiệp loại khá, được là 1/10 người điểm cao nhất khối.
Hiện tại, cháu luôn từng ngày trau dồi kiến thức, phấn đấu để làm cho mình xứng đáng hơn, để bù đắp lại những phần “thiếu sót”, “lỗi lầm” không phải của cháu. Cháu cũng đọc nhiều sách tâm lý, sách dạy làm người, tâm hồn cao thượng, những tấm lòng cao cả… để nâng cao đời sống tâm hồn của mình, để sống có ý nghĩa hơn. Cháu còn đi học cả cắm hoa, và mấy năm nay cháu có làm việc xã hội cho một hội từ thiện Pháp giúp đỡ trẻ em nghèo Việt Nam.
Cháu tha thiết muốn có một mái gia đình. Cháu không cần lấy chồng giàu có để nương dựa, không cần người lịch lãm đẹp trai, chỉ cầu mong có một người thông cảm cho cháu, yêu thương cháu, bất chấp những hoàn cảnh kia. Dù người đó nghèo khổ đến đâu, hai chúng cháu sẽ là chỗ dựa tinh thần cho nhau để phấn đấu, để vươn lên, để có một gia đình hạnh phúc và những đứa con ngoan ngoãn.
Cháu đã kể xong hoàn cảnh của cháu, còn chuyện tình duyên thì như cháu kể ở trên. Theo các cô chú anh chị, có phải ngày nay quan niệm môn đăng hộ đối đã lỗi thời? Nếu thế thì sao những người muốn tiến đến với cháu khi nghe kể về hoàn cảnh của cháu đều rút lui? Bạn bè và một số người thân thiết nói quan niệm môn đăng hộ đối không hợp thời, rằng cháu hãy vững tin ở tương lai. Nếu có người nào đó xét đến hoàn cảnh gia đình cháu rồi chia tay với cháu thì người đó quả thật không xứng đáng. Rằng khi yêu người ta chỉ nên biết đến người đó, chứ không thể nhìn người xung quanh, môi trường bao bọc người đó mà đánh giá người đó.
Nhưng những chuyện, những người mà cháu gặp trong đời thường lại hoàn toàn không phải như vậy. Thậm chí cô ruột của cháu còn nói, nếu cô là cha mẹ chồng đi hỏi vợ cho con trai, sẽ không bao giờ cưới cháu, bởi vì gia đình cháu quá phức tạp, quá thấp kém, đã nghèo nàn lại còn có nhiều vấn đề. Tâm trạng của cháu thật sự rối bời. Xin cho cháu một lời khuyên, xin chân thành cảm ơn cô chú, anh chị.
Theo hanhphucgiadinh.vn